Một thuở áo dài Đà Lạt

Nguyễn Vĩnh Nguyên |

Phụ nữ Đà Lạt xưa mỗi khi ra đường, bất kể đi đâu, tới nhà thờ, chùa chiền, dạo phố hay đi chợ mua bán... họ đều chọn mặc áo dài và khoác thêm chiếc áo len mỏng. Chiếc áo dài truyền thống Việt Nam trên một thành phố quanh năm giá lạnh và mang dáng dấp Châu Âu đã gợi ra một khung cảnh thanh nhã, hài hòa ngày tháng cũ.

1. Những bức ảnh chụp cảnh chợ Cây (cạnh rạp Hòa Bình nay) vào khoảng năm 1930 đã cho thấy giữa hè chợ mua bán sầm uất, những người phụ nữ buôn thúng bán bưng đa số mặc áo dài tà rộng truyền thống và đội nón lá. Có thể họ là những người dân xứ Huế, Nghệ An đầu tiên đến thành phố cao nguyên này, lập nghiệp bằng nghề nông trên những thửa vườn nhỏ ở ấp Ánh Sáng, ven suối Cam Ly hay vùng Tân Lạc. Có thể nhìn kỹ hơn, trên gánh hàng của họ là các loại nông sản, rau và hoa.

Trang phục của mấy chị, o, dì, mạ, mệ trong bức ảnh năm 1930 xem ra không khác cho lắm với trang phục những người phụ nữ trên bãi chợ Đà Lạt cũ (nay là Rạp 3-4, Hội trường Hòa Bình) vào thập niên 1950 mà một tay máy người Pháp ghi lại. Những người phụ nữ Đà Lạt tảo tần nơi vỉa hè trung tâm nhưng với cách ăn bận theo phong cách lề lối truyền thống có thể nói là chuẩn mực. Họ hòa đồng với những nhóm người bản địa với trang phục truyền thống của vùng sơn nguyên Lang Bian, những người Hoa, Ấn và Pháp kiều ở cái trung tâm tứ hải giai huynh đệ được gọi tên là “Hòa Bình” này.

Những người phụ nữ đi chợ buôn bán cũng mặc áo dài, điều đó có lẽ vượt ngoài sở thích hay thói quen, đó còn cho thấy một quan niệm cộng đồng coi trọng giá trị truyền thống, đề cao cái lịch sự, cái đẹp truyền thống. Điều này cũng giống như đàn ông ở thành phố này ngày xưa ra đường là khoác những bộ suit, dù là đến quán cà phê gặp gỡ bạn bè hay vào giảng đường đại học.

Dù là giới tiểu thương lam lũ, nhưng ở họ, yếu tố văn minh phố thị đã phần nào chi phối phong cách sống.

Cảnh mua bán bên trong chợ Đà Lạt cũ (nay là rạp Hòa Bình) vào năm 1937. Ảnh: Postcard
Cảnh mua bán bên trong chợ Đà Lạt cũ (nay là rạp Hòa Bình) vào năm 1937. Ảnh: Postcard

Một bưu thiếp chụp cảnh buôn bán trong chợ cũ, ghi lại hình ảnh những người phụ nữ Đà Lạt ngồi sạp bán hoa nhưng mặc áo dài và đội nón lá. Trong album gia đình anh Trương Ngọc Thụy chia sẻ với người viết, còn có một số bức ảnh lưu niệm quý giá ghi lại hình ảnh bà nội của ông (cụ Phan Thị Mai) ngồi trước sạp hoa của gia đình trong ngôi Chợ Mới (nay là chợ Đà Lạt) vào năm 1962 với diện mạo phúc hậu, trong bộ áo dài truyền thống đầy thanh nhã.

Cũng vào đầu thập niên 1960, ký giả John Dominis cũng đã thực hiện một bộ ảnh đẹp về Đà Lạt đăng trên tạp chí LIFE. Đây là bộ ảnh quý, có giá trị tư liệu về đời sống phố phường Đà Lạt. Bộ ảnh đặc tả từ cảnh tươi sáng của công trình Chợ Mới, các con đường trung tâm, các thắng cảnh và những con đường trung tâm. Một thời kỳ Đà Lạt khởi sắc, tinh tươm, một tinh thần lịch lãm của trung tâm văn hóa, giáo dục được chăm chút bậc nhất ở miền Nam thể hiện sống động và rõ nét trong bộ ảnh này. John Dominis chú tâm ghi lại cảnh những người phụ nữ Đà Lạt mặc áo dài đạp xe trên phố như một nét đặc thù của đô thị xứ lạnh. Khung cảnh toát lên vẻ đẹp phố phường quý phái và bình yên.

2. Hình ảnh những người phụ nữ Đà Lạt đi chợ sớm, với bóng áo dài trong sương mờ hay dưới những chùm ray (tia) nắng đẹp cũng là đặc tả thường thấy trong các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật của những nhiếp ảnh gia nổi tiếng miền Nam một thời như Nguyễn Bá Mậu, Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh. Chiếc áo dài của người phụ nữ Đà Lạt vừa chuyên chở sức sống của truyền thống trong một bối cảnh thành phố văn minh hiện đại kiểu Tây Phương vừa hài hòa với vẻ đẹp thơ mộng khói sương của xứ sở.

Áo dài Đà Lạt làm nguồn cảm hứng cho sáng tạo, làm chất liệu góp vào hình dung mỗi người khi ta gọi đó là thành phố của mộng, thơ và hoài niệm. Một tà áo dài của cô gái Đà Lạt ở xứ đạo nhà thờ Chánh Tòa của thập niên 1960 là nguồn cảm hứng cho một ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Vũ. Bản pop-ballad Bài Thánh Ca buồn có những ca từ đẹp, như lời tiễn một tình yêu thánh thiện đi vào vùng sương khói của một mùa đông trong ký ức: “Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt/ Áo trắng em bay như cánh thiên thần/ giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân...”.

Ảnh đường phố Đà Lạt của John Dominis.
Ảnh đường phố Đà Lạt của John Dominis.

Những tà áo dài trắng với áo khoác len xanh của những nữ sinh trường nữ Bùi Thị Xuân, trường nữ Franciscaines, sinh viên Viện Đại học Đà Lạt hay các nữ giáo sinh tiểu học của trung tâm Giáo dục Hùng Vương...  một thời đã làm cho Đà Lạt vốn đã là thành phố sương khói lại còn khói sương hơn trong tâm tưởng những lữ khách lãng mạn.

Nhắc lại ký ức của một thành phố mà đâu đâu cũng thấy phụ nữ mặc áo dài, cô giáo Kim Thành kể rằng, phụ nữ Đà Lạt cũng theo kịp mốt lắm. Kiểu áo dài bà Nhu vào thập niên 1960 thì thường các cô dâu mặc, gọi là áo dài cách tân. Rồi đến cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970 có “áo dài hippie” (theo phong trào Hippie trong thanh niên các đô thị miền Nam), những chiếc áo dài truyền thống tà ngắn lên trên đầu gối, có thêu hoa mai sáu cánh lớn và màu sặc sỡ, trông trẻ trung và năng động. Kiểu “áo dài hippie” thì đa số nữ sinh viên mặc, còn nữ sinh các trường trung học thì chưa được phép.

“Còn thì ra chợ, các tiểu thương đều mặc áo dài”, chị Thành nhớ lại, “Phụ nữ cứ ra phố là mặc áo dài cho lịch sự. Mẹ người bạn tôi bán chén bát sành sứ ở cầu thang chợ, bà người Huế. Hình ảnh của bà trong tôi là thường xuyên trong một chiếc áo dài truyền thống. Khi bà bệnh, chúng tôi đến nhà thăm, bà cũng mặc áo dài ra tiếp”.

Những tiệm may áo dài cũng mọc lên rất nhiều ở khu trung tâm, bên cạnh tiệm veston. Nếu veston có có nhà may Tân Tân, Văn Gừng, Tiến Sơn, Tánh, Dần, Hoàng Nho, Toàn Mỹ, Paris Mode, thì nhà may áo dài nổi tiếng Đà Lạt trước 1975 có thể kể đến: hiệu Chí Công ở đường Thành Thái (nay là Nguyễn Chí Thanh), Tuyết Mai ở đường Duy Tân (nay là 3 tháng 2), Túy ở đường Phan Đình Phùng...

Những nhà may áo dài nổi tiếng thường có nguồn vải phong phú, thợ may lành nghề, có thể may được nhiều kiểu áo dài tân thời nên thu hút phụ nữ tầng lớp trung lưu, thanh nữ ưa thích thời trang áo dài hay các đôi uyên ương chuẩn bị cho ngày lễ cưới. Còn với giới bình dân hay học trò phổ thông, thì chỉ cần đến những tiệm may trong các xóm, thôn, ấp nhỏ là đã có thể có những bộ áo dài chuẩn mực để mặc ra đường hay tới trường học.

Ảnh đường phố Đà Lạt của John Dominis.
Ảnh đường phố Đà Lạt của John Dominis.

Bộ sưu tập kỷ vật Đà Lạt ở Dinh Tỉnh Trưởng, gây ấn tượng với tôi là những kỷ vật còn lại của gia đình ông Võ Quang Tiềm, chủ hiệu buôn Vĩnh Hưng ở khu Hòa Bình, người sở hữu bất động sản lớn nhất ở trung tâm Đà Lạt một thời và là nhạc phụ của KTS. Ngô Viết Thụ. Ở đó, có một chiếc bàn máy may mà ông Tiềm đã dùng làm phương tiện mưu sinh khi vừa từ Huế lên Đà Lạt lập nghiệp và những chiếc áo dài lụa của vợ và các con gái ông. Phía sau đó là một câu chuyện đẹp về sự thích ứng, hài hòa và tô điểm cho giá trị nhân văn thành phố. Họ vừa mang theo giá trị nề nếp truyền thống nơi quê cũ, lại vừa tiếp thu những gì sang cả nhất của thị dân trên một thành phố thư nhàn kiểu Tây phương.

Những chiếc áo dài gợi nhắc một thời thanh lịch và nền nã đã qua của thành phố được ví như một mảnh châu Âu giữa núi đồi cao nguyên Việt Nam.

Nguyễn Vĩnh Nguyên
TIN LIÊN QUAN

Áo dài ngũ thân trên xứ Huế

Việt Văn |

Tour du lịch khám phá bối cảnh phim trường Huế và áo dài ngũ thân nằm trong khuôn khổ hoạt động của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 vừa diễn ra cuối tháng 11.2021. Các đại biểu tham gia đều được thử nghiệm trong tà áo dài ngũ thân và ai nấy đều trở nên lạ lẫm, mới mẻ.

Áo dài Huế - Từ sản phẩm văn hoá đến công nghiệp văn hoá

Hoàng Văn Minh |

Áo dài Huế là một sản phẩm văn hoá. Và áo dài Huế đang được định hình, hướng đến là một sản phẩm công nghiệp văn hoá để phục vụ du lịch.

“Hãy đưa áo dài vào du lịch để vẻ đẹp của áo dài bước ra thế giới”

Hoa hậu Đặng Ngọc Hân |

Tôi từng rất tự hào khi đưa tranh Hàng Trống lên áo dài và bộ sưu tập này được trình diễn tại APEC. Chúng ta đang có rất nhiều cơ hội để đưa vẻ đẹp của áo dài đến mọi nơi trên thế giới.

Kỷ luật nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai

PHẠM ĐÔNG |

Bà Vũ Thị Mai - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính - bị kỷ luật bằng hình thức Khiển trách do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác.

Lý do hàng loạt "ông lớn" xin giảm nhập xăng dầu

Anh Tuấn |

Một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đề xuất điều chỉnh giảm mức tổng nguồn được phân giao cho cả năm 2024 do bị lỗ những tháng gần đây.

Nhiều hộ dân tự ý quay trở lại nhà ở khu vực di dời vì bão

CÔNG SÁNG |

Nhiều hộ dân tại huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) quay trở lại nhà khi khu vực của gia đình còn nguy hiểm do ảnh hưởng mưa bão.

Bà chủ Xuyên Việt Oil bị cấp dưới bớt tiền hối lộ quan chức

Việt Dũng |

Để phục vụ cho việc kinh doanh xăng dầu, bà chủ Xuyên Việt Oil đã chi ra hàng triệu USD hối lộ lãnh đạo bộ, ngành song một phần tiền bị cấp dưới bớt xén.

Hà Tĩnh mưa to, lốc xoáy làm tốc mái 14 nhà dân

TRẦN TUẤN |

Ngày 19.9, tại Hà Tĩnh mưa to, gió lớn, xảy ra lốc xoáy làm tốc mái 14 nhà dân ở xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh).

Áo dài ngũ thân trên xứ Huế

Việt Văn |

Tour du lịch khám phá bối cảnh phim trường Huế và áo dài ngũ thân nằm trong khuôn khổ hoạt động của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 vừa diễn ra cuối tháng 11.2021. Các đại biểu tham gia đều được thử nghiệm trong tà áo dài ngũ thân và ai nấy đều trở nên lạ lẫm, mới mẻ.

Áo dài Huế - Từ sản phẩm văn hoá đến công nghiệp văn hoá

Hoàng Văn Minh |

Áo dài Huế là một sản phẩm văn hoá. Và áo dài Huế đang được định hình, hướng đến là một sản phẩm công nghiệp văn hoá để phục vụ du lịch.

“Hãy đưa áo dài vào du lịch để vẻ đẹp của áo dài bước ra thế giới”

Hoa hậu Đặng Ngọc Hân |

Tôi từng rất tự hào khi đưa tranh Hàng Trống lên áo dài và bộ sưu tập này được trình diễn tại APEC. Chúng ta đang có rất nhiều cơ hội để đưa vẻ đẹp của áo dài đến mọi nơi trên thế giới.