Câu chuyện giữa ca sĩ Phạm Anh Khoa và vũ công Phạm Lịch đang có những diễn biến gay gắt từ phía hai người. Trong khi Phạm Lịch khẳng định, việc cô bị Phạm Anh Khoa gạ tình là có thật thì rocker này lại lên tiếng cho rằng nữ vũ công đang cố tình bôi nhọ danh dự và hình ảnh của anh.
Nhìn ở góc độ pháp lý, LS Lê Hằng (Cty Luật Trương Anh Tú) phân tích: “Gạ tình” là một thuật ngữ mà chúng ta có nghe đến nhiều hơn trên báo chí, trên các diễn đàn và trong đời sống trong thời gian gần đây. Nó còn có một tên gọi khác là “quấy rối tình dục”, được hiểu là những hành vi, cử chỉ, cách cư xử hướng vào sự khác biệt giới tính, với ý đồ không lành mạnh".
Theo LS Hằng, các qui định pháp luật như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Lao động 2012 hay các luật khác của Việt Nam chưa hề có định nghĩa chính xác thế nào là “quấy rối tình dục”.
Nội hàm của quấy rối tình dục rất rộng, bao gồm cả hiếp dâm, dâm ô và những hành vi mang tính chất tình dục khác.
Đây là loại tội phạm rất khó chứng minh, hầu như không để lại sự thương tổn vật lý. Tuy nhiên, các nạn nhân vẫn có thể phải gánh chịu sự tổn thương lớn và khủng hoảng về tinh thần.
Hành vi quấy rối tình dục được hiểu là các hành vi không lành mạnh, bằng nhiều cách thức khác nhau tác động vào người khác để gây tổn hại về mặt tinh thần cũng như thể xác cho người bị tác động, nó cũng đồng nghĩa với hành vi “dâm ô” được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Tuy nhiên, hành vi “dâm ô” tại BLHS này chỉ được quy định đối với trẻ em (tức là người dưới 16 tuổi), mà không quy định với người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Như vậy, khi vũ công Phạm Lịch tố cáo Phạm Anh Khoa “quấy rối tình dục” cần có những bằng chứng cụ thể như Bộ qui tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ LĐTBXH đã công bố. Trong trường hợp ngược lại, nếu Phạm Lịch không đưa đầy đủ căn cứ cho việc tố cáo của mình là đúng sự thật thì ca sĩ Phạm Anh Khoa có quyền kiện đối phương về tội vu khống.
Theo qui định hiện hành tại Điều 156 BLHS 2015, người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu; phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
Ở hầu hết các nước phương Tây, quấy rối tình dục được coi là trái pháp luật và có chế tài cụ thể xử lý tương ứng với từng mức độ của hành vi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hành vi quấy rối tình dục lại thường bị bỏ qua.
Người quấy rối thực hiện những hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Về xử lý hình sự, nếu hành vi quấy rối mà xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì cũng có thể bị xử lý hình sự theo điều 121 Bộ luật Hình sự về “Tội làm nhục người khác”. Tuy nhiên, hành vi quấy rối tình dục không đủ yếu tố để cấu thành tội làm nhục người khác nếu không có hậu quả thì cần chứng minh đó là nạn nhân cảm thấy vô cùng nhục nhã, tủi hổ, ê chề.
"Quấy rối tình dục có thể được coi là một tệ nạn nhức nhối của xã hội hiện đại nhưng chưa được luật hóa trong pháp luật của chúng ta hiện nay. Như vậy, đây là một thực tế rất cần được xem xét lại, bởi nếu không có một tội danh cụ thể cho hành vi này sẽ rất khó xử lý một cách nghiêm minh", LS Hằng cho biết.