PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM - cho biết: Thời gian học được thiết kế linh hoạt phù hợp với chế độ làm việc theo ca kíp. Địa điểm học tập cũng được bố trí linh hoạt, thay vì gom hết về cơ sở chính, trường sẽ thiết kế các cụm để khi tan ca, thay vì phải về trung tâm học quá xa, quá mệt mỏi thì đoàn viên, CNLĐ được bố trí nơi học thuận tiện.
Đến nay, địa điểm học tập dự kiến tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM cơ sở 1 (quận 3) hoặc cơ sở 2 (quận 10). Trường hợp có nhiều hồ sơ đăng ký tại các quận, huyện ngoại thành, nhà trường sẽ linh động bố trí nơi học thuận tiện cho học viên. “Nói một cách gần gũi thì chúng tôi đang cố gắng để mang trường học về nơi ở, nơi làm việc của các bạn công nhân” - PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt chia sẻ.
Với chương trình này, Trường Đại học Kinh tế TPHCM giảm 30% học phí cho tất cả sinh viên của chương trình. Ngoài ra, sinh viên thuộc khối dịch vụ công ích sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ thêm 20% kinh phí học tập. Trường sẽ phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên của trường phát động mô hình “Bạn đồng hành”, một sinh viên chính quy kèm một sinh viên là CNLĐ.
Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - cho biết, đây là một trong những chương trình mà tổ chức CĐ TPHCM thực hiện trong nhiệm vụ nâng cao trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp cho đoàn viên, NLĐ để thích ứng với điều kiện, tình hình mới. Về lâu dài, LĐLĐ TPHCM sẽ phối hợp với một số trường đại học, cơ sở đào tạo khác mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo mới, mở lớp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà văn hóa lao động đáp ứng nhu cầu học tập của CNLĐ và yêu cầu thực tiễn sản xuất.
Để hỗ trợ cho đoàn viên CĐ đi học, LĐLĐ TPHCM sẽ vận động các nguồn quỹ hỗ trợ cho đoàn viên, CNLĐ. Bên cạnh đó, trường cũng vận động doanh nghiệp hỗ trợ người lao động; có thể hỗ trợ tiền, thời gian hoặc linh hoạt luân phiên ca để thuận tiện cho công nhân đi học.