Cơ sở sai phạm, các đơn vị lòng vòng kiểm tra
Đến giữa tháng 8, Công an quận Thanh Khê, Đà Nẵng cho biết, đã nhận được 17 đơn tố cáo của người dân về thẩm mỹ viện Wonjin, từng hoạt động tại số 218 Nguyễn Tri Phương, quận Thanh Khê.
Trước đó, vụ việc xảy ra từ tháng 6 khi nhiều khách hàng bất ngờ bị mất liên lạc với nhân viên của thẩm mỹ viện Wonjin. Đến trực tiếp cơ sở thì phát hiện nơi này đã đổi tên thành thẩm mỹ viện New York và đổi cả chủ. Trong khi có người đã đóng 50 đến 60 triệu đồng cho các dịch vụ làm đẹp, có cả dịch vụ xâm lấn.
Tuy nhiên, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, cả thẩm mỹ viện Wonjin và New York đều chưa đủ điều kiện công bố đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ. Tức là cả hai cơ sở này đều vi phạm. Vậy nhưng khi sự việc bị phát giác, các đơn vị cũng chỉ có câu trả lời là “sẽ kiểm tra”. Tuy nhiên, giữa tháng 8, sau những phản ánh của Báo Lao Động, họ vẫn chưa đề cập đến việc xử lý.
Khách hàng, người dân chịu thiệt thì chỉ có thể nộp đơn tố cáo lên công an địa phương và chờ đợi. Cơ sở 218 Nguyễn Tri Phương cũng tự động đóng cửa sau khi khách hàng có đơn, báo chí vào cuộc.
Câu chuyện này cũng đã diễn ra tại cơ sở thẩm mỹ viện Wonjin tại Hà Nội, hậu quả là hơn 100 khách hàng bị lừa đảo nhưng vì phản ứng chậm của địa phương và cơ quan liên quan, chỉ sau 1 đêm, cơ sở thẩm mỹ đã “tháo chạy”.
Chưa có phân cấp, phân quyền cụ thể cho địa phương
Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Trưởng phòng Nghiệp vụ y tế, Sở Y tế Đà Nẵng - cho biết, nhiều chủ cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hiện nay chưa hiểu rõ thế nào là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, thế nào là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ - nơi đòi hỏi phải có bác sĩ chuyên khoa, được thẩm định rất khắt khe mới được thực hiện các dịch vụ xâm lấn. Trong số 500 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ tại Đà Nẵng hiện chỉ có 28 cơ sở chuyên khoa thẩm mỹ.
“Nhiều cơ sở có nhân lực học vài tháng về phun xăm nhưng làm tất cả mọi thứ cho khách hàng từ chăm sóc da đến giảm béo. Đây là điều gây khó cho lực lượng chức năng khi nhân lực y tế rất hạn chế. Chúng tôi đã có góp ý để Luật Khám chữa bệnh sắp tới cần làm rõ thế nào là dịch vụ thẩm mỹ và cơ sở chuyên khoa thẩm mỹ” - ông Thanh cho hay.
Kết quả thanh tra, kiểm tra 20 cơ sở hồi đầu năm 2023 thì tổng số tiền các cơ sở bị xử phạt là hơn 400 triệu đồng. Trong đó, lỗi hay mắc phải của các cơ sở là hoạt động khi chưa có văn bản thông báo của Sở Y tế đơn vị đủ điều kiện hoạt động, quảng cáo dịch vụ chưa được cho phép, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ nhưng lại ghi là viện thẩm mỹ…
Khó khăn nữa là việc phối hợp với địa phương để phát hiện những cơ sở làm sai.
“Mỗi phòng Y tế quận, huyện hiện nay chỉ có 1 đến 3 người mà làm rất nhiều việc. Trong khi số cơ sở thẩm mỹ tại các quận như Hải Châu là 300 cơ sở, quận Thanh Khê là 150 cơ sở nên công việc rất áp lực. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có sự phân cấp cụ thể cho địa phương như xã, phường trong quản lý cơ sở thẩm mỹ.
Sở Y tế cũng đã có tham mưu cho UBND thành phố về vấn đề này và mặc dù chưa phân cấp nhưng đứng trước việc phải làm sao quản lý vấn đề này, tôi mong các địa phương cần vận dụng các quy định hiện có, phối hợp với phòng Y tế kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm trong phạm vi có thể” - ông Thanh cho hay.