Bên cạnh những tổ hợp tuyển sinh "lạ", có những tổ hợp môn có thể nói là lần đầu được “sáng tạo” ra để tuyển sinh, không hiểu dựa trên căn cứ nào: “Văn, Lý, Địa”, “Văn, Hóa, GDCD”, “Toán, Sử, Địa” (?)…
Tuyển sinh ĐH, phải dựa trên những căn cứ khoa học, phù hợp với thực tiễn và đã được minh chứng qua những kết quả đào tạo, sử dụng nhân lực cụ thể. Việc chọn trường ĐH, ngành đào tạo là quyết định quan trọng đối với cuộc đời thí sinh; chất lượng đào tạo ĐH tác động đến nhiều yếu tố: sinh viên, xã hội, và chính trường ĐH đó.
Việc xây dựng tổ hợp, căn cứ tuyển sinh không thể làm theo kiểu tùy tiện, “ngẫu hứng”, với lý luận “luật không cấm thì làm”. Đúng là hiện không có quy định pháp lý nào cấm những tổ hợp tuyển sinh lạ lùng như trên, song khi chúng vừa được công bố đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận.
Hiện nhận thức của học sinh và xã hội đã được nâng cao. Khó có thí sinh nào sở trường về khối C lại đăng ký thi tuyển vào các ngành chỉ vốn dành cho khối A và ngược lại. Bởi vì có trúng tuyển, thì cũng không học được; nếu có bằng, cũng không có chất lượng, bị thị trường lao động từ chối.
Tuy nhiên, việc một số trường đề ra các tổ hợp tuyển sinh “lạ” như vậy là bất thường, cho thấy sự lệch lạc, thậm chí liều lĩnh trong tư duy quản lý của ban lãnh đạo, ban tuyển sinh; báo hiệu sự xuống cấp trong chất lượng của trường ĐH.
Đây là điều không thể chấp nhận được đối với những cơ sở vốn được coi là hội tụ của tri thức, trí tuệ. Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần rà soát, kiểm tra phương án tuyển sinh của các trường ĐH, yêu cầu giải trình căn cứ khoa học và thực tiễn đối với các tổ hợp tuyển sinh “lạ”. Trong trường hợp các trường không thực hiện, hoặc giải trình không thuyết phục, thì cần “thổi còi”, yêu cầu chấm dứt. Nếu các trường không chấp hành, áp dụng biện pháp mạnh hơn.
Những trường ĐH nào quá yếu kém, cần có lộ trình cho giải thể sớm, chuyển sang loại hình đào tạo khác, tránh lãng phí nguồn lực xã hội và gây nhiều hệ lụy cho cộng đồng.