Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương đề nghị tăng cường quản lý động vật hoang dã và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép.
Nhiều bộ ngành, địa phương đã có chỉ đạo khẩn trương, kịp thời nhằm kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã vẫn còn tiếp diễn trên địa bàn nhiều tỉnh.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nhiều loài động vật hoang dã mang mầm bệnh có thể lây lan sang người.
Bộ dẫn chứng, các nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã và điều này đã được thấy rõ qua các đại dịch xảy ra trên thế giới như HIV, Ebola, H5N1, SARS, virus đậu mùa, bệnh dại từ dơi xuất hiện ở vùng Amazon, virus Marburg ở châu Âu. Đặc biệt, bệnh dịch COVID-19 đang được xác định có nguồn gốc phát sinh từ động vật hoang dã, hiện đang lan rộng đe dọa đến sức khỏe con người.
Để thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về ngăn ngừa, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các cơ quan truyền thông, các ban, ngành, đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về việc không săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, các mối nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch từ việc tiêu thụ, tiếp xúc với động vật hoang dã.
Chỉ đạo cơ quan thực thi pháp luật như kiểm lâm, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, công an tăng cường phối hợp liên ngành, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại các chợ động vật tự phát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã tăng cường công tác kiểm dịch, khử trùng, hạn chế việc tiếp xúc với động vật hoang dã và thường xuyên liên lạc với các cơ quan quản lý chuyên môn của tỉnh để nắm bắt thông tin về tình hình phát sinh dịch bệnh và lây nhiễm.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 13h00 ngày 18.2.2020, đã có 73.333 ca mắc COVID-19, tăng 1.890 ca so với ngày 17.2; Tổng số trường hợp tử vong là1.874 ca, tăng 99 ca so với ngày 17.2.