Sở Y tế: Chưa có quy định coi F0 điều trị tại nhà là điều trị ngoại trú
Trong công văn, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà là cách điều trị mới, quy định trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế về cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0 điều trị tại nhà, gây khó khăn cho các địa phương khi giải quyết chế độ nghỉ việc hưởng BHXH.
Công văn của Sở Y tế diễn giải cụ thể: Điều 57 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: Điều trị ngoại trú được thực hiện trong trường hợp sau đây: a) Người bệnh không cần điều trị nội trú; b) Người bệnh sau khi đã điều trị nội trú ổn định nhưng phải theo dõi và điều trị tiếp sau khi ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Sau khi quyết định người bệnh phải điều trị ngoại trú, người hành nghề có trách nhiệm sau đây: a) Lập hồ sơ bệnh án ngoại trú theo quy định tại Điều 59 của Luật này; b) Ghi sổ y bạ theo dõi điều trị ngoại trú, trong đó ghi rõ thông tin cá nhân của người bệnh, chẩn đoán, chỉ định điều trị, kê đơn thuốc và thời gian khám lại.
Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, trong khi đó, F0 điều trị tại nhà (triệu chứng nhẹ, hoặc không triệu chứng) không đến cơ sở khám chữa bệnh, đồng thời không có thông tin lên cổng tiếp nhận dữ liệu trên hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế. Kết quả dương tính xác nhận thông qua test nhanh hoặc phương pháp RT-PCR, đa số F0 thực hiện xét nghiệm tại doanh nghiệp...
Khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 được đưa về cách ly, điều trị tại nhà, không trực tiếp đến cơ sở khám, chữa bệnh. F0 điều trị tại nhà chưa có quy định được coi là “điều trị ngoại trú”.
Đề nghị lưu giữ các giấy tờ đã được xác nhận
Công văn cho biết thêm, tại Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29.12.2017 của Bộ Y tế quy định hình thức cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và cách ghi nội dung giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, Khoản 2 quy định, đối với người lao động hoặc con dưới 7 tuổi của người lao động đang điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư quy định “việc ghi ngày bắt đầu được nghỉ phải trùng với ngày người bệnh đến khám”.
Mặt khác, tại Công văn số 571/BHXH-CSXH ngày 28.2.2019 của BHXH Việt Nam về việc phối hợp triển khai thực hiện Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định “Thực hiện tạo lập và cấp (bao gồm cấp mới, cấp bổ sung, cấp lại) các hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng BHXH theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT trên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin Giám định BHYT (Cổng giám định BHYT)”.
Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, trường hợp F0 điều trị tại nhà sau khi đã điều trị khỏi mới đến trạm y tế xã/phường để cấp giấy chứng nhận nên ngày cấp không trùng với ngày nghỉ để cách ly, điều trị COVID-19, đồng thời không có thông tin cập nhật trên cổng thông tin giám định BHYT.
Do đó, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH khi người bệnh không đến cơ sở y tế để khám bệnh; không có thông tin cập nhật trên cổng thông tin giám định BHYT; cấp sau ngày ốm là chưa đúng với quy định tại các văn bản hướng dẫn hiện hành, nên tỉnh Bắc Giang chưa có căn cứ để hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà, đã khỏi bệnh.
“Việc chi trả chế độ (nếu không đúng quy định) thì sau này khi cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra sẽ buộc xử lý trách nhiệm, thu hồi số tiền đã chi” - Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cảnh báo.
Sở Y tế Bắc Giang đề nghị, đối với trường hợp F0 đã điều trị khỏi đề nghị lưu giữ các giấy tờ đã được xác nhận trong quá trình cách ly, điều trị tại nhà (quyết định cách ly, điều trị, giấy xác nhận đã điều trị khỏi COVID-19...) để làm căn cứ giải quyết khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0 điều trị tại nhà, theo đúng quy định của pháp luật.