Phân loại rác rồi lại gom đổ chung
Mỗi ngày, bà Nguyễn Bích Thủy kinh doanh quán ăn tại Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) luôn dùng 2 thùng rác để phân loại rác thải khác nhau, một thùng dùng cho các loại chai nhựa, túi nilon; thùng còn lại dùng cho các loại rác hữu cơ.
Nhưng dù đã tích cực phân loại rác thải là thế, nhưng theo bà Thủy, phân loại rác không phải là vấn đề dễ dàng, bởi khi người dân đã kỳ công và tỉ mỉ trong khâu này, thì đến lúc đơn vị thu gom rác đến họ vẫn sẽ đổ dồn, gom chung rác lại với nhau.
Theo bà Thủy, không phải người dân nào cũng có ý thức để phân loại rác thải. Nhưng có một số nghề đặc thù như kinh doanh quán ăn sẽ phải phân loại thực phẩm thừa và rác hữu cơ với chai nhựa, vỏ lon, nilon.
“Chúng tôi thường xuyên làm việc này, nhưng phân loại xong nhân viên môi trường vẫn gom vào chung một xe rác thì cũng vô nghĩa”, bà Thủy nói.
Tương tự, theo nhiều hộ kinh doanh tại phường Phương Mai, họ cảm thấy khó hiểu vì nhân viên môi trường đến gom rác sẽ lấy tất cả các túi rác bỏ lên xe dù cho những túi rác này đã được người dân tỉ mỉ phân loại trước đó.
Ông Trịnh Hoài Thu (một chủ kinh doanh cửa hàng ăn trong ngõ 102 phố Trường Chinh) chia sẻ, muốn phân loại rác thải hiệu quả phải có sự thống nhất về quy trình từ khâu vứt rác cho đến khâu gom rác. Theo ông Thu, mỗi điểm tập kết rác nên bố trí khu vực để rác hữu cơ và khu vực để rác vô cơ.
Mặt khác, có thể thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác thải chưa được phân loại đúng cách cũng đến từ việc một bộ phận cư dân chưa có thói quen phân loại triệt để, rác được để vào túi nilon giống màu nhau nên rất khó để phân biệt, hay người dân chỉ tách riêng một số nhựa để bán ve chai; các loại nhựa còn lại, đặc biệt túi mềm vẫn bị gộp chung vào rác thải sinh hoạt khác.
Cũng liên quan đến vấn đề này, theo anh Phạm Văn Đạo (công nhân vệ sinh môi trường tại Hà Nội): “Nhiều hộ gia đình dù đã phân loại rác thải nhưng lại để vào 2 túi nilon giống màu nhau, đặc biệt là túi nilon tối màu. Việc này khiến chúng tôi khó phân biệt đâu là rác vô cơ, đâu là rác hữu cơ nên đều bỏ hết lên xe để chở đi”.
Chuyên gia môi trường nói gì?
Trước thực trạng này, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng (Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam) cho biết, công tác thu gom và xử lý rác thải hiện nay đang thiếu sự đồng bộ, dẫn đến nhiều bất cập trong quy định phân loại rác thải tại nguồn.
Để quy định thực sự đi vào đời sống, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam cho rằng, nhà nước cần đầu tư các phương tiện để thống nhất và đồng bộ quy trình thu gom rác thải. Bên cạnh đó, các địa phương cần có sự hướng dẫn cụ thể nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn.
“Việc thu gom rác thải phân loại tại nguồn phải được thực hiện để tránh tình trạng người dân phân loại rác tại nguồn nhưng đến lúc thu gom thì tất cả những loại rác lại cùng một phương tiện thu gom, cùng trở về các bãi chôn lấp. Rác thải phân loại tại nguồn phải được thu gom một cách chuyên biệt và phải được đưa đến những cơ sở xử lý rác thải chuyên biệt.” - ông Nguyễn Hữu Dũng phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, với số lượng rác thải thu gom ngày càng nhiều, việc phân loại lại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác. Trong bối cảnh thu gom và xử lý rác thải vẫn còn là bài toán khó giải thì việc phân loại và xử lý rác thải ngay từ chính các hộ gia đình hay còn gọi là tại nguồn thải được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, dù cho người dân đã có ý thức phân loại nhưng do sự thiếu hoàn thiện từ hệ thống thu gom cũng làm giảm đi hiệu quả của việc phân loại rác tại nguồn.