Cụ thể, trong các dự án cấp thoát nước dự kiến triển khai, Đà Nẵng xác định sẽ thực hiện hệ thống thoát nước chống ngập úng tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi sân bay Đà Nẵng, ở 3 phía tây, đông và nam sân bay thuộc các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ. Giai đoạn thực hiện dự án là 2023 – 2030.
Hệ thống thoát nước sân bay quá tải khi mưa lớn, buộc phải đổ ra khu vực xung quanh là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ngập úng nội đô của Đà Nẵng. Vì vậy, việc xử lý thoát nước 3 mặt quanh sân bay Đà Nẵng sẽ phần nào giảm được tình trạng ngập úng khi mưa lớn.
Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ làm tuyến thoát nước chính từ hạ lưu kênh thoát nước khu công nghệ cao về kênh thoát lũ xã Hòa Liên, xây dựng các tuyến cống thoát nước mưa về sông Hàn cho lưu vực Mỹ Khê – Mỹ An…
Tổng cộng, có 19 dự án cấp thoát nước sẽ được Đà Nẵng thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2030. Phương án thực hiện sẽ là đảm bảo nước thải được thu gom về các trạm xử lý nước thải tập trung của đô thị. Nước thải của 12 phân khu được thu gom và xử lý theo các lưu vực. Nước thải công nghiệp, nước thải y tế được thu gom xử lý riêng cục bộ tại nguồn đạt quy chuẩn trước khi xả vào nguồn tiếp nhận.
Về mạng lưới thoát nước thải, khu vực đô thị cũ sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng (hệ thống hiện tại đang sử dụng), khu vực các đô thị mới sử dụng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn. Khu vực ven biển tách nước thải riêng hoàn toàn hoặc nâng cao khả năng thu gom nước thải để ngăn chặn nước thải xả ra biển.
Tổng công suất các trạm xử lý nước thải sinh hoạt năm 2030 tại TP Đà Nẵng dự kiến đạt 515.000 m3/ngày. Trước mắt, nước thải phát sinh tại khu vực huyện Hòa Vang được thu gom và xử lý theo hình thức phân tán.
Một trong những nguyên nhân khiến ngập úng đô thị tại Đà Nẵng còn do vấn đề chất thải rắn chưa được phân loại, xử lý triệt để mà xả ra môi trường, gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước.
Vì vậy, Đà Nẵng cũng xác định tiếp tục đầu tư tiến tới hoàn thiện hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường đô thị (điểm tập kết rác, trạm trung chuyển rác, trạm phân loại rác, khu liên hợp xử lý rác...) với công nghệ tiên tiến.
Đến năm 2030, thành phố sẽ hoàn thiện Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) với các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tổng công suất từ 1.800-2.000 tấn/ngày, đảm bảo xử lý toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh; đầu tư các nhà máy xử lý chất thải nguy hại, bùn thải, chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn công nghiệp... kêu gọi đầu tư nhà máy tái chế rác thải đô thị. Quy mô, công nghệ từng nhà máy do thành phố quyết định căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và phù hợp với pháp luật, quy định hiện hành.
Sau năm 2030, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu liên hợp xử lý chất thải rắn phía tây thành phố quy mô 200 ha bao gồm các công năng, hạng mục công trình đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn của thành phố và mục tiêu hướng đến nền kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 1.000 tấn/ngày ở giai đoạn phù hợp tùy thuộc vào lượng chất thải rắn phát sinh thực tế.