Đã có những lời "gan ruột"
Một giám đốc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí ở CCN Tân An - nêu ra quan điểm thẳng thắn: "Việc đầu tư, xây dựng được một CCN quy mô lớn, tập trung đông doanh nghiệp đầu tư, sản xuất đa dạng các sản phẩm ở tỉnh như hiện nay không phải đơn giản, mất nhiều thời gian, công sức. Các doanh nghiệp chúng tôi khi di dời vào cụm công nghiệp là thực hiện theo sự vận động của chính quyền, mong muốn một nơi làm việc ổn định lâu dài, an tâm đầu tư phát triển sản xuất và đều ký hợp đồng thuê đất trong thời hạn 50 năm.
Tất cả các doanh nghiệp trong CCN đều làm ra sản phẩm và đang tồn tại, phát triển. Điều này chứng tỏ xã hội cần, người dân cũng vậy. Nếu lấy đất CCN làm khu đô thị tỉnh có thể thu được vài nghìn tỉ đồng ở thời điểm này nhưng thiệt hại trong tương lai thì lớn hơn nhiều. Vì bản thân những căn biệt thự không thể tạo ra được sản phẩm cho xã hội. Với khoảng 3.000 người lao động đang làm việc trong Cụm công nghiệp, hằng tháng các doanh nghiệp tốn ít nhất 30 tỉ đồng tiền trả lương. Khoản tiền này cũng góp phần ổn định cuộc sống của rất nhiều gia đình và cho con em ăn học.
Chúng tôi tôn trọng, chấp hành các chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Nhưng việc di dời CCN mới đang là chủ trương, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp lẫn công nhân".
Đang chỉ là ý tưởng?
Trong buổi họp báo định kỳ tháng 4, đối với 7 câu hỏi mà phóng viên Báo Lao Động và một số cơ quan báo chí khác đặt ra liên quan đến công tác di dời CNN Tân An, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk - cho rằng: Thủ tướng Chính phủ đã cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung của TP.Buôn Ma Thuột và việc di chuyển Cụm công nghiệp Tân An là một ý tưởng. Còn làm quy hoạch là một quy trình rất phức tạp, cần thời gian hơn 1 năm và dự báo đến năm 2023 thành phố mới làm xong.
"Có di dời Cụm công nghiệp Tân An hay không - đây là một ý tưởng để chúng ta suy nghĩ câu chuyện của thành phố trong tương lai. Đây mới là ý tưởng, chưa đến đoạn di dời nên chưa trả lời được" - ông Hà nhấn mạnh.
Phóng viên Báo Lao Động có đặt vấn đề, hiện nay các doanh nghiệp tại Cụm Công nghiệp Tân An đang lo lắng, không yên tâm sản xuất, có doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư vào Cụm công nghiệp nhưng khi nghe thông tin thì họ đang có ý định tạm dừng.
Ông Hà cho hay: Đọc văn bản (kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk - PV) đoạn đầu thì có cảm giác giống như là một quyết định. Nhưng sau đó có câu giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP.Buôn Ma Thuột phối hợp với đơn vị tư vấn và công ty nghiên cứu, triển khai thực hiện các thủ tục để đưa vào quy hoạch chung của thành phố. Vậy đây là ý tưởng, chưa phải khẳng định là di dời. Còn nếu di dời là điều kiện tốt cho thành phố phát triển xứng tầm thì ngại gì mà không làm điều đó. Các nhà đầu tư cần phải trao đổi với tỉnh. Đây là chủ trương, ý tưởng còn thực thi nhà nước phải làm đúng luật, đúng quy định.
Liên quan đến nội dung trên, đại diện tập thể hơn 70 doanh nghiệp tại CCN Tân An cho rằng: "Các doanh nghiệp ở CCN vẫn đang rất lo lắng. Dù lãnh đạo tỉnh đã nói như vậy nhưng chúng tôi vẫn cần văn bản phản hồi thông tin chính thức từ cơ quan có thẩm quyền (UBND tỉnh hay UBND TP.Buôn Ma Thuột) hoặc chí ít là được gặp gỡ, đối thoại bày tỏ nguyện vọng trực tiếp với lãnh đạo địa phương để yên tâm tiếp tục hoạt động kinh doanh sản xuất".
Như Lao Động đã thông tin, tỉnh Đắk Lắk đang có dự tính dời Cụm Công nghiệp Tân An để quy hoạch, cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland (Công ty TDH Ecoland) nghiên cứu đầu tư triển khai dự án đô thị quy mô lớn. Điều này vấp phải sự phản ứng dữ dội từ hơn 70 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh ở khu vực trên. Họ cho rằng, đã đầu tư tiền của rất nhiều để xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.000 công nhân. Nếu kế hoạch di dời được triển khai sẽ gây ra thiệt hại về kinh tế rất lớn. Nhưng điều đáng nói là cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk lẫn TP.Buôn Ma Thuột trước đó chưa về khảo sát tình hình, lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng của chủ đầu tư lẫn các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp. Ngoài ra, cò "đất" còn lợi dụng thông tin về quy hoạch trong tương lai để thổi giá bất động sản tăng cao tại các vùng lân cận.