Chất lượng không khí đã chuyển từ kém sang xấu
Chất lượng không khí ở Hà Nội đang ở ngưỡng xấu và kém ở cả 10 điểm quan trắc. Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) ở Hà Nội duy trì màu cam (tức chất lượng không khí kém).
Theo số liệu từ Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP. Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày AQI tính đến 28.9 là 192.
Đây là mức chỉ số không tốt cho nhóm nhạy cảm. Nhóm người nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng sức khỏe. Mức chỉ số trung bình này đã tiệm cận mức cảnh báo màu đỏ (201) tức là mức chất lượng không khí xấu, nhóm nhạy cảm cần tránh hẳn việc ra ngoài. Những đối tượng khác hạn chế ở ngoài đường.
Hôm nay 28.9, thông qua các ứng dụng đo thời tiết như Air Visual hay Pam Air, tất cả điểm quan trắc tại Hà Nội có chất lượng không khí AQI ở trên mức 170.
Nơi nào ô nhiễm không khí nhất Hà Nội sáng nay
Cụ thể, 5 điểm quan trắc chất lượng không khí AQI cao nhất trên Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP.Hà Nội trong tổng số 10 điểm tính đến ngày 28.9 như sau:
1. Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm)
Điểm quan trắc UBND Phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội: 161.
2. Đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm)
Điểm đo 36A Phạm Văn Đồng: 198
3. Phố Hàng Đậu (quận Ba Đình)
Điểm đo Công an phường Hàng Mã: 194.
4. Chi cục Bảo vệ môi trường
Điểm đo 17 Trung Yên 3, Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội: 192.
4. Thành Công (quận Đống Đa)
Điểm đo Công viên hồ Thành Công: 185.
Trong khi đó, tính đến thời điểm 8h ngày 28.9, trên ứng dụng thời tiết Air Visual đã cập nhật 5 điểm ô nhiễm không khí nhất Hà Nội như sau:
Mức độ ô nhiễm không khí thể hiện rõ qua chỉ số.
1. Phố Tây Hồ: 199.
2. Đường Thành Công (quận Đống Đa): 192.
3. Đường Tô Ngọc Vân: 190.
4. Chi cục Bảo vệ môi trường (Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội): 183.
5. Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Cầu Giấy: 182.
Trước đó, những khu vực trên đây cũng đều lọt top những nơi có chỉ số chất lượng không khí cao nhất khu vực Hà Nội. Những mốc chỉ số này đều màu đỏ - ở mức cảnh báo sức khoẻ con người. Để giảm thiểu tác động từ hiện tượng chất lượng không khí xấu ở những khu vực này, người dân nên nắm bắt chỉ số và chủ động bảo vệ sức khoẻ.
Chủ động nắm chỉ số hàng ngày bảo vệ sức khoẻ
Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chất lượng không khí kém gây nguy hại cho sức khoẻ, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già. Vì thế, mọi người cần chủ động bảo vệ sức khoẻ. Thứ nhất, nên thường xuyên theo dõi chỉ số chất lượng không khí theo địa chỉ portal.hanoi.gov.vn/quantrac_khongkhi1 trên cổng thông tin của UBND TP. Hà Nội.
Thứ hai, lúc chỉ số lên quá cao (trên 200) thì hạn chế tối đa đi ra ngoài, hoạt động thể thao ngoài trời. Những người già và trẻ nhỏ đóng cửa lại và dùng máy lọc không khí. Nếu ra ngoài, khuyến cáo nên đeo loại khẩu trang có chức năng lọc khí.