“Thổi ”giá đất quanh vùng dự án sân golf
Dự án sân golf Đăk Đoa tại 2 xã Glar và Tân Bình thuộc huyện Đăk Đoa, khi mới có thông tin triển khai, người dân địa phương bày tỏ lo ngại sợ xâm hại rừng thông cổ thụ nhiều năm tuổi. Dưới rừng thông lại có đồi cỏ hồng vốn là địa điểm du lịch hấp dẫn du khách.
Nhưng với hứa hẹn giải quyết hàng nghìn công ăn việc làm, tạo điểm nhấn thu hút đông đảo du khách, dự án này được tin tưởng sẽ mang tính động lực về phát triển, mở mang bộ mặt đô thị.
Ông Kor Thí – người dân xã Glar, huyện Đăk Đoa – cho biết: “Mới đầu chủ đầu tư thi công sân golf huy động phương tiện, xe cộ vào múc đất, đào đường, di thực hàng loạt cây thông - được trồng từ năm 1974. Hơn 4 tháng qua, dự án tạm dừng thi công, chỉ lèo tèo vài bảo vệ ăn ở tại chỗ.
Hiện chưa có hạng mục công trình nào ở dự án, chỉ có con đường đất đỏ kéo dài và hàng loạt cây thông bị ngã đổ, bị chết trụi lá”.
Cũng từ khi có dự án sân golf Đăk Đoa, “cò đất” từ nhiều nơi đổ xô về hai xã Galr, Tân Bình quảng cáo các dự án nhà ở, phân lô bán nền với nhiều lời gọi “có cánh” như: đất view đồi cỏ hồng, sân golf, gần khu biệt thự sinh thái, nghỉ dưỡng đẳng cấp sắp hình thành, sản phẩm độc đáo trên cung đường nối Gia Lai – Bình Định….
Anh Nguyễn Văn Linh – người dân xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa – cho hay: “Chỉ trong thời gian ngắn, giá đất gần khu vực dự án sân golf cũng được thổi lên rất cao. “Cò đất” đi săn lùng các lô đất gần sân golf, đồi cỏ hồng, càng gần thì giá càng cao.
Một số người dân địa phương có đất rẫy cũng sẵn sàng ngã giá mua bán để các “đầu nậu” thu gom đất, lập dự án xung quanh. Hiện giờ dự án ngừng thi công, chưa biết khi nào triển khai hoạt động, nhà đầu tư trót lỡ ôm đất giá cao sẽ nguy cơ vỡ nợ, thua lỗ”.
Tạm dừng di thực rừng thông
Cũng trước khi triển khai dự án sân golf Đăk Đoa, chủ đầu tư dự án cam kết với tỉnh Gia Lai sẽ di thực, bảo tồn rừng thông cổ thụ, đồi cỏ hồng. Không những bảo tồn mà sẽ cải tạo thêm cảnh quan đẹp hơn, hấp dẫn được du khách hơn.
Thực tế, khi bắt tay vào làm sân golf, chủ đầu tư đã tiến hành di dời 2.500 cây thông. Trong số đó có nhiều cây đã chết, bị khô héo, trụi lá. Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đã lập đoàn liên ngành xuống kiểm tra và yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng di thực, chờ có phương án mới hiệu quả hơn.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Hoan – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai – cho biết: “Sở đã yêu cầu chủ đầu tư sân golf tạm dừng hoạt động di thực để đánh giá lại toàn bộ quá trình, thuê các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu việc di thực để cây có tỉ lệ sống cao. Thực tế khi giao đất rừng thì toàn bộ cây thông nhiều năm tuổi đã thuộc về chủ đầu tư, họ có cam kết, thỏa thuận sẽ bảo tồn di thực cây để làm dự án”.
Ban đầu cam kết di thực với công nghệ hiện đại, nhưng cuối cùng hàng loạt cây thông vẫn chết khô, khiến dư luận hoài nghi về năng lực của chủ đầu tư. Và khi dự án nghìn tỉ "án binh bất động" thì cơn "sốt đất" cũng hạ nhiệt kéo theo cuộc tháo chạy của nhiều nhà đầu tư đất.
Dự án đầu tư sân golf Đăk Đoa do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, có thời hạn hoạt động là 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy mô của dự án sân golf hơn 174ha với nguồn vốn đầu tư là 1.142 tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 172,912 tỉ đồng (chiếm 15,14% tổng vốn đầu tư), vốn vay 969,163 tỉ đồng (chiếm 84,86%) tổng vốn đầu tư.
Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, UBND tỉnh Gia Lai báo cáo không trung thực với các cơ quan cấp trên khi đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đăk Đoa.