Trong năm 2021, du lịch quảng Bình gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, thị trường khách du lịch quốc tế cơ bản đóng cửa, trong khi tổng số khách du lịch đến với Quảng Bình đạt khoảng 569.826 lượt, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2020 và chỉ đạt 11% so với kế hoạch.
Dù vậy, Quảng Bình luôn được đánh giá là một trong những thương hiệu là điểm đến an toàn, hấp dẫn và tiếp tục được truyền thông quốc tế đánh giá cao.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ An Phong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai các hoạt động để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nói chung cũng như ngành du lịch nói riêng trong điều kiện mới. Hướng tới chào mừng 20 năm Phong Nha – Kẻ Bàng được vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2023.
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, trong quý I/2022, Quảng Bình đã đã đón khoảng 145.916 lượt khách du lịch, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt hơn 812 tỉ đồng.
Đặc biệt, trong tháng 1 và tháng 2.2022, lượng khách du lịch đến với Quảng Bình có chiều hướng tăng so với năm 2021, tuy nhiên, do sự tăng nhanh của số ca mắc Covid – 19 từ cuối tháng 2.2022 nên lượng khách tháng 3.2022 giảm mạnh.
Với tỉ lệ bao phủ vaccine cao, Chính phủ đã cho phép mở cửa hoàn toàn các dịch vụ du lịch, thì đây là thời điểm thích hợp để du lịch Quảng Bình “thức giấc” và phục hồi.
Trong năm 2022, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, khách nội địa chiếm 1,99 triệu lượt, khách quốc tế 10.000 lượt.
Ông Phạm Văn Thủy – Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho biết, trong bối cảnh du lịch toàn cầu đã có sự thay đổi đáng kể, du lịch Quảng Bình cần xác định định hướng khôi phục và phát triển hoạt động du lịch.
Đồng thời, ông Phạm Văn Thủy cũng đưa ra một số định hướng cho việc phục hồi và phát triển du lịch của tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới.
Cụ thể, trước mắt cần tập trung khai thác tốt các thị trường đã kết nối từ trước.
Bên cạnh đó, Quảng Bình với nhiều tiềm năng, lợi thế khác biệt, có thể triển khai các loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến các thị trường du lịch trọng điểm cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành, du lịch có thể kết nối trở lại; thực hiện chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để hồi phục du lịch trong bối cảnh đại dịch; nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phục vụ đón khách, cần quan tâm tuyển dụng, đào tạo lại nguồn nhân lực của địa phương…
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp cụ thể để du lịch Quảng Bình có thể phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới.
Được biết, đây cũng là sự kiện góp phần xúc tiến, quảng bá điểm đến, thu hút khách du lịch đến với “Quảng Bình – Điểm đến an toàn, hấp dẫn, khác biệt”.