Đơn cử như tại hồ chứa nước 40, ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil cung cấp nước tưới cho hơn 150ha cây trồng. Những ngày qua, tại khu vực này luôn có khoảng 20 máy bơm của nông dân con hoạt động hết công suất để lấy nước tưới cho cà phê.
Tuy nhiên, với việc nắng nóng kéo dài kết hợp với việc nhiều hộ dân bơm tưới cà phê đồng loạt nên hồ 40 đã cạn kiệt nguồn nước. Nguồn nước khan hiếm, nhiều hộ dân đành chấp nhận hút luôn cả nước bùn để cứu cây cà phê.
Các hộ dân trồng cà phê tại khu vực hồ chứa nước 40 cho biết, nhiều diện tích cà phê đã vàng lá, khô cành. Các hộ dân chỉ biết trông chờ ngành chức năng, địa phương hỗ trợ bơm nước trung chuyển từ hồ Tây, thị trấn Đắk Mil sang để có thêm nguồn nước phục vụ sản xuất.
Công trình thủy lợi Nông trường Thuận An, ở thôn Thuận Bắc, xã Thuận An, huyện Đắk Mil có sức chứa nước khá lớn. Tuy nhiên, hiện nay hồ Nông trường Thuận An bị trơ đáy.
Gia đình ông Đặng Ngọc Luân có 1,7ha cà phê. Năm nay mùa mưa kết thúc sớm, nên mới vào đầu tháng 3, mực nước hồ đã cạn kiệt. Khi gia đình chưa kịp tưới xong đợt 2 cho cà phê thì đã xảy ra thiếu nước. "Giờ tôi chỉ biết cầu trời mưa sớm để hy vọng cứu vãn diện tích cà phê đang có dấu hiệu khô héo" - ông Luân buồn phiền.
Ngoài các khu vực nêu trên, tại xã Long Sơn, nơi có thời tiết khắc nhiệt nhất của huyện Đắk Mil, nhiều diện tích cà phê cũng đang nằm trong tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng.
Thời điểm này, suối Đắk Sôr chảy qua địa bàn xã đã cạn trơ đá, khiến hàng trăm ha cà phê ở các thôn Tây Sơn, Đông Sơn, Tân Sơn và Nam Sơn khô héo.
Trong bối cảnh này, huyện Đắk Mil khuyến cáo người dân chủ động chống hạn cho cây trồng, tăng cường sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm. Hiện huyện Đắk Mil đang tích cực phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông tổ chức bơm nước trung chuyển từ hồ Tây sang sang một số hồ đập đã cạn nước để phục vụ sản xuất, chăm sóc cây trồng của người dân.