Thu nhập hạn chế vẫn cố lo cho Tết của bố mẹ
Sau khi bị cắt giảm nhân sự, anh Nguyễn Hoàng Tùng (26 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) từ một nhân viên văn phòng đã phải chấp nhận làm cộng tác viên cho một công ty vận chuyển với mức lương vỏn vẹn 25.000 đồng/giờ để có một khoản tiền gửi về cho bố mẹ khi dịp Tết cận kề.
"Những năm trước, tôi thường biếu bố mẹ khoảng 20 triệu đồng để mua sắm, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Năm nay công việc không suôn sẻ, nhiều mục tiêu chưa thể thực hiện, nhưng tôi vẫn mong khoản tiền Tết dành cho phụ huynh không quá sụt giảm. Với công việc hiện tại, tôi lựa chọn đi làm từ 8h sáng đến 22h đêm mỗi ngày để tiết kiệm khoảng 10 triệu đồng gửi về gia đình" - anh Tùng chia sẻ.
Riêng về bản thân, tình hình tài chính không quá thoải mái nên Tết này anh Tùng gần như thắt chặt chi tiêu những khoản không cần thiết. "Tết năm nay, tôi sẽ chỉ mua 1 đến 2 bộ quần áo mới cho bản thân, số ít còn lại để tiết kiệm cho những dự định sắp tới" - anh Tùng nói thêm.
Tương tự với anh Tùng, chị Chu Hải Yến (25 tuổi, sinh sống tại Đông Anh, Hà Nội) cho hay: "Vài năm trở lại đây, khi bước sang năm mới, tôi đều tiết kiệm một khoản tiền để giúp bố mẹ mua sắm, chuẩn bị lễ Tết một cách thoải mái hơn".
Làm marketing về thực phẩm nên thu nhập từng tháng của chị Yến không có con số chính xác, thường dựa vào hoa hồng của từng sản phẩm bán ra. "Năm nay sức mua không như các năm trước nên mức lương ít nhiều cũng giảm. Ngoài công việc chính trên công ty, tôi cũng có bán hàng trên mạng và nhận thêm một số công việc liên quan. Từ thu nhập cá nhân và tiền thưởng Tết, năm nay tôi đã dành 30 triệu đồng để biếu bố mẹ" - chị Yến cho hay.
Ngoài việc gửi tiền về cho gia đình, chị Yến cũng chủ động sắm một số món đồ cần thiết cho dịp lễ này. Thêm vào đó, chị cũng mua quà và chuẩn bị phong bao lì xì lấy may cho các em nhỏ trong nhà.
"Bản thân tôi quanh năm cần thứ gì đều đã mua đầy đủ nên dịp Tết vẫn như vậy, không chuẩn bị quá kĩ càng. Tất nhiên họp lớp hay gặp gỡ bạn bè tôi đều tham gia đủ tuy nhiên khoản tiền lớn nhất tôi sẽ chỉ dành riêng cho bố mẹ, gia đình" - chị Yến nói thêm.
Ưu tiên sức khoẻ để đón Tết trọn vẹn
Còn với chị Lê Mai Phương (23 tuổi, Đông Anh, Hà Nội), đây là năm đầu tiên chị được kí hợp đồng giáo viên chính thức sau khi tốt nghiệp đại học nên việc chi tiêu Tết có phần khác hơn so với mọi năm.
"Trong năm nay, hàng tháng tôi vẫn thường xuyên gửi tiền cho gia đình nhưng Tết đến, được biếu bố mẹ tiền là một cảm giác rất khác. Thời điểm này, công việc soạn giáo án cho học sinh sau kì nghỉ lễ khá nhiều và áp lực. Tuy nhiên, bản thân tôi lại cảm thấy rất vui, ấm lòng và hạnh phúc khi có chút quà cho gia đình từ số tiền thưởng Tết nhận được.
Tôi dự định sẽ dành nửa thu nhập tương đương hơn 10 triệu đồng cho bố mẹ. Bên cạnh đó, những ngày giáp Tết tới đây, tôi sẽ chủ động cùng mẹ đi sắm đồ trang trí hay mua đồ cúng... Về phần mình, bản thân khá giản dị nên tôi sẽ tiêu khoảng 1 - 2 triệu đồng cho bản thân" - chị Phương hào hứng chia sẻ.
Hay với anh Ngọc Thiện, sau khi nghỉ công việc truyền thông gần 2 năm gắn bó, anh chọn làm MC tự do để có thu nhập bù lại khoản thưởng Tết năm nay không có. Tự do về giờ giấc, chủ động lựa chọn show dẫn, Tết này anh nhẩm tính thu về khoảng 30 triệu/tháng.
“Công việc này bấp bênh, toàn phải đi sớm về hôm nhưng do là con trai lớn trong gia đình nên tôi chấp nhận vậy để có tiền gửi về cho bố mẹ. Mới hôm nay tôi gửi cho mẹ chục triệu để mua sắm, thấy mẹ cười cảm ơn con tôi thấy rớm nước mắt, ấm lòng. Nhưng cũng chỉ mùa Tết này làm hết công suất vậy thôi, thời gian tới tôi vẫn sẽ cần cân đối lại thời gian để ổn định hơn” - anh Thiện nói với phóng viên.