Anh Nguyễn Hải Bằng (sinh năm 1974, trú tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) là người khởi xướng việc đưa rượu vang xuống ngâm ở đáy vịnh Hạ Long.
Anh mê biển, nghiền vịnh Hạ Long đến nỗi, mỗi tuần không có vài lần lướt xuồng ra vịnh là khó chịu, dù công việc kinh doanh lúc nào cũng bận rộn. Điểm dừng chân của anh thường là ở dưới chân các núi đá giữa vịnh. Buông neo ở đó, anh và bạn bè nhâm nhi cà phê hay ly rượu vang, trong khung cảnh lãng mạn và hùng vĩ của di sản thiên nhiên thế giới, trong không khí trong lành và mặn mòi của biển.
Ý tưởng ngâm những chai rượu vang nhập khẩu thuộc loại hảo hạng xuống đáy sâu của vịnh Hạ Long từ những chuyến đi đó.
Trong vòng hơn 2 năm qua, anh đã có 4 đợt đưa rượu xuống đáy vịnh Hạ Long. Trong đó, ở đợt thứ 4, có tổng cộng khoảng 500 chai, gồm cả rượu vang nhập khẩu và những chai rượu tự sản xuất. Với loại rượu tự nấu (chủ yếu là sâm ngọc linh và nho rừng), anh đặt mua các bình rượu gốm và cho tráng men dầy bên trong để nước không thẩm thấu vào trong.
Mẻ đầu kéo lên từ độ sâu khoảng 15-20m, anh và bạn bè vô cùng thích thú, bởi chai nào cũng bị những con hà bám kín xung quanh và trên cả nắp. Cả nhóm háo hức khui chai đầu tiên, nhưng lại quên đem dụng cụ mở chuyên dụng nên phải dùng tô-vít, kìm… vặn khiến rượu tràn ra ngoài. Chưa biết vị ra sao, nhưng vừa khui ra đã thấy hương khá đặc biệt, khác với chai nguyên bản. Bỗng từ rừng trên vách núi gần đó, mấy chú ong bay đến, quanh quẩn bên chai rượu. Một chú ong vẫn bám chặt cổ chai rượu kể cả khi xuồng về tới bờ.
“Hương vị rượu rất đậm đà. Chúng tôi cảm nhận được có sự thay đổi của chai rượu so với ban đầu. Chúng tôi đã chuyển chai rượu ngâm dưới biển và chai không ngâm cùng chủng loại để nhờ một đơn vị trên Hà Nội đánh giá chất lượng 2 loại rượu thì mới biết chính xác được có sự thay đổi gì” - anh Bằng chia sẻ. “Tuy nhiên, với những người yêu biển, đi biển gần như hàng ngày như chúng tôi thì cảm nhận được cả hương vị biển trong đó. Nhưng, cảm xúc lôi chai rượu từ dưới đáy biển lên, mà chai nào cũng có hình thù kỳ lạ vì hà bám kín thì cực kỳ khó tả".
Chọn vị trí để ngâm rượu xuống đáy vịnh Hạ Long cũng là một việc hết sức cầu kỳ. Nhóm của anh Bằng, dù đã thông thạo mọi luồng lạch, ngõ ngách trên vịnh Hạ Long, nhưng khi đi chọn vị trí để thả rượu xuống cũng mất khá nhiều thời gian.
Mẻ đầu tiên anh chọn ở một vị trí sâu khoảng 15-20m. Ở độ sâu này, sợ chai rượu bị sóng, gió đánh trôi đi mất, anh cho đánh chìm một chiếc tàu xi măng cũ loại nhỏ và thuê thợ lặn đưa vào trong tàu.
Hiện, ở vị trí này, vẫn có những mẻ lên, mẻ xuống thay thế nhau, nhưng hơi bất tiện vì phải nhờ đến thợ lặn, nên nhiều khi muốn lấy rượu lên phải chờ thợ lặn bố trí thời gian.
Sau đó, rút kinh nghiệm, rồi tự mày mò, đọc sách, nghiên cứu, tham khảo một số nơi trên thế giới cũng từng ngâm rượu dưới đáy biển, anh Bằng chọn thêm một vị trí khác để ngâm rượu. Vị trí này đảm bảo một số yếu tố, trong đó quan trọng nhất là dòng hải lưu mạnh.
“Không cần thiết phải sâu quá, nhưng phải có dòng chảy mạnh. Tìm được vị trí như thế không hề đơn giản. Dòng chảy mạnh làm cho chai rượu rung lắc thường xuyên, thậm chí lúc nghiêng, lúc đứng, lúc nằm… qua đó tạo áp lực lên chai rượu. Chúng tôi đã vớt mấy chai lên để so sánh với những chai không được ngâm thì nhìn bằng mắt cũng thấy có chút khác biệt giữa 2 loại rượu” - anh Bằng cho biết.
Tiêu chí thứ 2 là chọn độ sâu, chỉ khoảng 5-6m. Do độ chênh mực nước thủy triều ở vịnh Hạ Long khá lớn, từ 4-5m, nên khi thủy triều xuống mức thấp nhất thì vị trí ngâm rượu chỉ còn cách mặt nước khoảng 1m. Việc này sẽ tạo điều kiện cho các chai rượu tiếp cận với ánh nắng mặt trời.
Lúc đầu, anh Bằng và những người bạn cũng chỉ nghĩ ngâm rượu dưới đáy biển cũng như ủ rượu trong hầm dưới đất vì nhiệt độ trong hầm tiêu chuẩn là khoảng 9-10 độ C thì ở sâu dưới đáy biển nhiệt độ cũng như vậy.
Tuy nhiên, không phải vậy, ở dưới đáy biển, mà lại đạt các tiêu chuẩn: Dòng hải lưu mạnh và được tiếp xúc được ánh nắng mặt trời, khiến nhiệt độ tự nhiên thay đổi liên tục, đã làm cho rượu có sự thay đổi về chất.
Nhiều bạn bè, khách quý từ các nơi khác về, được mời thưởng rượu được lấy lên từ đáy biển vịnh Hạ Long không chỉ ngỡ ngàng về hình thù kỳ quái của từng chai rượu, mà còn thích thú với chất lượng rượu.
“Chất lượng rượu ngâm dưới đáy biển so với cùng loại ở trên bờ như thế nào thì phải đợi cơ quan chuyên môn đánh giá, nhưng đúng là ngon thật. Có thể ngon cũng một phần do cảm xúc nữa. Nhưng nhìn chai rượu có đầy những con hà bám kín, được trục vớt từ dưới đáy biển lên thì ai cũng háo hức, đầy cảm xúc” - một người bạn từ Hà Nội sau khi thưởng thưởng thức loại rượu đặc biệt này chia sẻ.