Thưa ông, với vai trò người lãnh đạo cấp tỉnh về lĩnh vực tài nguyên, ông đánh giá, suy nghĩ thế nào về tình trạng khai thác cát trái phép lâu nay trên địa bàn tỉnh?
- Thời gian qua, Thanh Hóa đã xử lý rất quyết liệt việc khai thác cát trái phép trên sông Mã, đặc biệt khai thác cát ra ngoài mốc giới cho phép. UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh thực hiện khá nhiều chuyên án đấu tranh với vấn nạn này. Cụ thể, gần đây đã khởi tố, bắt giam hai mẹ con tổ chức khai thác các trái phép trên sông Mã với lượng cát thu lợi bất chính tới gần 100 tỉ đồng.
Đây là việc chúng tôi khẳng định không có vùng cấm, không nương nhẹ cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào dù đó là con ai cháu ai. Không có lãnh đạo, cá nhân nào có thể bảo kê hoặc đứng sau để dung túng cho sai trái.
Thực tế thì nhiều năm qua, tỉnh đã ra nhiều văn bản và chỉ đạo trực tiếp, các cấp ngành cũng rất nỗ lực nhưng vì sao nạn cát tặc trên sông Mã không những không giảm mà còn có biểu hiện tăng mạnh hơn?
- Nguyên nhân chính của tình trạng này là do người dân chưa hiểu biết pháp luật và hám lợi. Nguyên nhân thứ hai là thời gian qua do tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là công trình đường cao tốc Bắc - Nam qua Thanh Hóa cần số lượng cát san lấp rất lớn trong khi dự báo chưa tốt vì thế giá cát tăng cao, các đối tượng cố tình khai thác trái quy định.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, xử lý nghiêm nhưng tình trạng khai thác trái phép vẫn lén lút diễn ra. Tôi tin trong thời gian tới, với những nỗ lực tuyên truyền, giáo dục đi liền với xử lý mạnh, nạn cát tặc trên địa bàn Thanh Hóa sẽ giảm xuống.
Không ít lãnh đạo địa phương, cấp xã, huyện thường lấy lý do khó quản lý vì nhân sự mỏng, thiết bị thiếu và đặc biệt khi bị kiểm tra thì các đối tượng chạy sang địa bàn xã, huyện khác nên khó kiểm soát được. Lý giải như vậy có đúng không, thưa ông?
- Tôi cho rằng, lãnh đạo địa phương nói như vậy là đúng thực tế ở cơ sở. Những khó khăn ở cơ sở là đúng chứ không phải lãnh đạo xã, huyện đổ lỗi trách nhiệm, viện cớ thoái thác… Có những lãnh đạo xã rất trách nhiệm và quyết liệt trong việc này, chẳng hạn ông Hồng - lãnh đạo xã Hoằng Khánh trực tiếp bơi trên sông và là người trực tiếp đo tọa độ, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, cũng hiếm có lãnh đạo xã bơi ra sông để làm như vậy vì không phải xã nào cũng được cấp cano, xuồng.
Có thông tin nhiều mỏ cát trên sông Mã ở Thanh Hóa có tình trạng đứng sau là các đối tượng xã hội đen đứng ra đấu thầu, bao thầu và trúng thầu sau đó bảo kê cho việc khai thác trái phép?
- Vấn đề này tôi đã nghe nhiều. Qua theo dõi chúng tôi cũng thấy là có thực tế một số chủ mỏ từng có tiền án tiền sự. Tuy nhiên, có nhiều chủ mỏ là những chủ doanh nghiệp chân chính, làm việc nghiêm túc, đóng thuế nhà nước đầy đủ, sử dụng lao động hợp lý. Phải nói như vậy để tránh tổn hại danh dự đến những doanh nghiệp, doanh nhân đang làm ăn chân chính.
Mặt khác, những người dù có tiền án tiền sự nhưng bây giờ, họ đã chấp hành án xong thì họ trở về làm ăn chân chính là điều bình thường, bình đẳng như tất cả doanh nghiệp khác dù đúng là họ có tiền án tiền sự. Tôi khẳng định, ở Thanh Hóa không có chuyện bắt tay giữa các cơ quan có chức năng quản lý, cấp phép với các đối tượng cộm cán, xã hội đen. Lấy danh dự Phó Chủ tịch UBND tỉnh tôi khẳng định như vậy.
Thời gian tới UBND tỉnh và cá nhân ông sẽ chỉ đạo thực hiện các biện pháp nào?
- Để thực hiện được vấn đề này cần làm một cách hết sức bài bản.
Thứ nhất, đối với những mỏ đã được cấp phép phải tăng cường giám sát, đấu tranh với những đối tượng khai thác trái phép, đặc biệt với những đối tượng không có mỏ nhưng chuyên thuê lại để lợi dụng khai thác trái phép, những đối tượng có mỏ nhưng khi cơ quan nhà nước sơ hở là lấy bên ngoài mốc giới.
Thứ hai, với những mỏ chưa được cấp phép sẽ mang ra đấu giá công khai minh bạch có sự giám sát của các cơ quan Nhà nước, của nhân dân, báo chí.
Nếu các cơ quan báo chí có chứng cứ xác thực về hoạt động khai thác cát trái phép hoặc có chứng cứ xác thực về việc cán bộ quản lý lợi dụng vị trí công tác có liên quan đến hoạt động mỏ cát mà trục lợi, có khi đòi chia cổ phần tới 30%… thì ông sẽ xử lý thế nào?
- Báo chí luôn là kênh quan trọng giúp các cơ quan quản lý Nhà nước điều hành sát thực tế. Chúng tôi luôn lắng nghe, tiếp thu và lập tức báo cáo, chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Tôi rất cảm ơn Báo Lao Động và các cơ quan báo chí trên địa bàn luôn đồng hành, thông tin sát thực vấn đề nhức nhối, nhạy cảm này. Mong Báo Lao Động và các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành đấu tranh với nạn khai thác cát trái phép.
Trân trọng cảm ơn ông!