Anh Hồ Minh Cường (huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk) tâm sự: "Tôi làm kỹ sư xây dựng ở TP.HCM nhưng thời gian qua doanh nghiệp chủ quản phải tạm dừng hoạt động do diễn phức tạp của dịch COVID-19. Ít ngày trước, tôi phải chạy xe máy từ TP.HCM về Đắk Lắk với vợ con. Trước khi về, tôi đã đi xét nghiệm và đã cho kết quả âm tính. Sau khi làm thủ tục khai báo ở các chốt kiểm soát theo yêu cầu của cơ quan chức năng thì tôi trở về huyện Ea H'Leo kết hợp khai báo thêm với Trung tâm y tế và cách ly tại nhà thêm 14 ngày.
Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM đang lên kế hoạch chi trả tiền gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng nhưng cá nhân tôi đã trở về nhà và hiển nhiên không nhận được chi phí. Tôi đang băn khoăn rằng bản thân có được đăng ký nhận hỗ trợ ở Đắk Lắk hay không. Bởi, tôi có hợp đồng ký kết với doanh nghiệp và được đóng BHXH đầy đủ trong một thời gian dài". Trước thông tin trên, đại diện Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk) cho hay, người lao động làm việc ở TP.HCM hay các địa phương khác khi trở về nhà ở Đắk Lắk vẫn được đăng ký, làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ ở địa phương nếu chưa nhận ở các tỉnh, thành trước đó công tác. Trường hợp người lao động bị mất việc làm có giao kết hợp đồng lao động; người lao động bị ngừng việc không hưởng lương hay chấm dứt hợp đồng lao động đều được đăng ký nhận hỗ trợ nếu đóng BHXH đủ 12 tháng.
Những nhóm đối tượng này sẽ đến đăng ký, làm thủ tục tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk hoặc các văn phòng khác của đơn vị này.
Kinh phí triển khai chương trình này được lấy từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho người sử dụng lao động vay theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP là nguồn vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, nguồn kinh phí hỗ trợ các đối tượng còn lại là từ ngân sách Trung ương hỗ trợ; nguồn dự phòng ngân sách (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã); quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Trung - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - cho hay, sau khi có công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk tạm dừng kế hoạch ban đầu đón công dân từ TP.HCM về quê để tiếp tục họp bàn kỹ lưỡng hơn.
Trước đó, trong 2 ngày 29 và 30.7, gần 2.000 công nhân, người lao động được tỉnh Đồng Nai hộ tống về bàn giao cho tỉnh Đắk Lắk.
Theo kế hoạch dự kiến UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ chi tiền hỗ trợ cho các nhóm đối tượng gồm người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động ngừng việc;
Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế; viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch; hộ kinh doanh; lao động không có giao kết hợp đồng lao động; cho vay vốn đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Mỗi nhóm đối tượng sẽ do một đơn vị phụ trách thực hiện.