Sáng 26.12, trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Hải Phòng - cho biết, khác với bãi cọc Bạch Đằng được tìm thấy tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, những chiếc cọc tìm thấy tại xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng có kích thước lớn hơn, khoảng cách giữa các cọc cách xa nhau từ 5 - 7m.
Theo ông Sơn, nếu như bãi cọc ở cửa sông Chanh (nay thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) là bãi cọc bí mật, được "ngụy trang" bởi nước thủy triều nhằm thu hẹp lòng sông, đưa địch vào trận địa để dễ dàng tiêu diệt thì bãi cọc mới được khai quật tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên là bãi cọc công khai, đóng ở cửa sông Giá để ngăn địch vào sông này. Vì vậy, các cây cọc lớn được chôn rích rắc theo hình chữ Chi. Trên các cọc có “ngoạm” dùng để luồn dây kéo hoặc để gắn thanh gỗ níu các cây cọc lại với nhau tạo thành một bức tường không cho địch tiến vào sông Giá.
Lý giải về hiện tượng cọc nghiêng, cọc thẳng, ông Đoàn Trường Sơn cho biết, việc cắm đan xen cọc nghiêng, cọc thẳng giúp cho hàng rào ngăn quân địch vào sông Giá càng thêm vững chãi. Ngoài ra, cánh đồng Cao Quỳ trước đây là bãi bồi ven sông, được bồi lấp qua thời gian, vì vậy, những cây cọc nghiêng có thể là tác động của dòng nước khiến cây bị xê dịch khỏi vị trí ban đầu.
Trước đó, như Lao Động đưa tin, Bảo tàng Hải Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật gần 1.000 m2 tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đã phát hiện 27 cọc gỗ.
Ngày 21.12, tại buổi báo cáo kết quả khai quật, TS.Bùi Văn Hiếu – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học - đã trình bày báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ nói trên.
Theo đó, các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám có thể được chôn/đóng xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua cả sinh thổ, là một bãi bồi ven sông, đã bị phủ lấp qua thời gian. Trên các cọc có “ngoạm” dùng để luồn dây kéo.
Kết quả xác định niên đại C14 của cọc gỗ 3 cho thấy cọc này có niên đại 1.270 – 1.430 A. Viện khảo cổ học cũng nhận định, các cọc được đóng/chôn trong khu vực bãi bồi ven sông, phân bố không thẳng hàng và thêm vào đó là kết quả xác định niên đại đã cho thấy các cọc gỗ có thể thuộc bãi cọc được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.