Trầm cảm - mầm mống nhiều vụ việc thương tâm
Là một người nghiên cứu tâm lý lâu năm, chuyên gia Nguyễn An Chất luôn đau đáu tìm ra phương cách giúp phụ nữ thoát ra khỏi "hố bùn" bất hạnh. Nhưng "diệt cỏ phải diệt tận gốc", ông Chất cho rằng cần phải nhận biết cặn kẽ dấu hiệu của những người mẹ trầm cảm, có ý định tự tử.
Đầu tiên, họ hay nói về cái chết, ví dụ như "thà chết đi cho khuất mắt, sống thế này chi bằng chết đi...".
Thêm vào đó, họ hay bày tỏ sự vô vọng, bế tắc, mất niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai. Họ thường nói về tội lỗi hoặc gánh nặng của bản thân mình đối với những người xung quanh. Ví dụ: “Không có tôi thì anh sẽ sướng hơn…”.
Những người phụ nữ trong giai đoạn đó thường sống khép mình, tự cô lập mình với người thân, bạn bè hoặc thay đổi tâm tính, trở nên gắt gỏng.
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam chia sẻ, nhiều khi ông thấy ám ảnh bởi những lời tâm sự của các bà mẹ về những triệu chứng dấu hiệu nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho con.
Ông Nam kể lại: Có một bà mẹ tâm sự rằng căm ghét con và không bế con từ khi sinh ra đến nay. Mỗi khi nghe con khóc như một mũi dùi đâm vào não khiến cô ấy nổi xung và chỉ muốn bịt miệng con lại.
Một bà mẹ khác trầm cảm nặng hơn thì cắn rứt mỗi khi bế con lại có cảm giác và hình ảnh trong đầu là mình đang thả con từ trên ban công xuống đất. Bà mẹ luôn lo sợ sẽ đến một lúc nào đó, hành động này sẽ được thực hiện một cách vô thức.
"Trong những trường hợp đó, tôi phải cam kết một kế hoạch an toàn cho thân chủ và thông báo với gia đình để luôn có người quan tâm theo dõi và làm dịu 24/24" - ông Nam nói.
Cần sự giúp đỡ của gia đình và toàn xã hội
Từ những nguy cơ đó, chuyên gia Thành Nam mách nước: Để ngăn ngừa hành vi tự sát và tự tử cùng con của những bà mẹ, đầu tiên người chồng và gia đình cần phải được giáo dục nhận thức để nhận diện sớm các yếu tố nguy cơ như đang bị trầm cảm; bị bạo hành; mắc bệnh nan y; mất mát lớn trong công việc và tài chính…
Từ việc ý thức và nhận diện được các yếu tố nguy cơ, gia đình sẽ có những giải pháp làm dịu, chủ động phòng ngừa và tìm kiếm các nguồn trợ giúp.
Về phương diện chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cần có những chính sách, dịch vụ xã hội hỗ trợ sàng lọc và phát hiện các rối nhiễu tâm thần ở người mẹ trước, trong và sau sinh.
Trong đó, có sàng lọc và phát hiện những tình huống nguy cơ có thể gây hại cho con mình. Cần thành lập những đường dây nóng để hỗ trợ cho những trường hợp khẩn cấp.
Cuối cùng, bản thân các bà mẹ cũng cần được trang bị những kiến thức về trầm cảm và trầm cảm sau sinh, các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em, kỹ năng quản lý stress, giải quyết vấn đề hay những phương pháp giải quyết xung đột không sử dụng bạo lực.
"Họ cần nhận thức rõ tự tử cùng con cũng là một tội ác' - chuyên gia Thành Nam nhắn nhủ.