F0 điều trị tại nhà tăng
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 16.12, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai tốt việc một nhân viên y tế quản lý khoảng 30-50 F0 hoặc nhiều hơn tại nhà.
Sở Y tế Hà Nội thống kê, thành phố đang điều trị cho hơn 10.000 F0, trong đó gần 50% đang được điều trị tại nhà và các trạm y tế lưu động. Số ca bệnh tăng nhanh, số F0 được điều trị tại nhà ở Hà Nội cũng tăng theo tỉ lệ.
Trao đổi về công tác phòng chống dịch, lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho hay, hiện ngành Y tế quận đảm bảo 100% F0 đủ điều kiện điều trị tại nhà được cấp túi thuốc A theo yêu cầu của Bộ Y tế. Địa bàn quận Đống Đa có 212 F0 hiện điều trị tại nhà. Ngoài ra, các trung tâm y tế lưu động trên địa bàn quận cũng có hơn 200 F0 đang được thu dung, điều trị.
Trước ý kiến, một nhân viên y tế hỗ trợ điều trị cho 30-50 F0 tại nhà, lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Đống Đa lo ngại sẽ "có khó khăn" về nhân lực nhưng sẽ khắc phục. Quận đang họp triển khai để có nhân lực điều trị cho F0, từ đó sẽ hỗ trợ cho ngành Y tế, quản lý, hỗ trợ chăm sóc.
Điều trị F0 tại nhà nhân viên y tế cần sự hỗ trợ
Theo lãnh đạo ngành Y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, quận có 150 F0 đang điều trị tại cơ sở thu dung của quận, 227 F0 đang điều trị tại nhà.
"10 phường trên địa bàn quận thành lập trạm y tế lưu động và 198 tổ chăm sóc F0 tại nhà. Hiện, quận có khoảng 689 thành viên tham gia hỗ trợ. Mỗi tổ dân phố thành lập 1 đến 2 tổ chăm sóc F0 có trách nhiệm giúp trạm y tế lưu động như nắm bắt thông tin số điện thoại, điều kiện cách ly cho cán bộ y tế. Các tổ chăm sóc, hỗ trợ kịp thời tất cả tình hình cho cán bộ y tế của trạm y tế lưu động để điều tiết, hướng dẫn điều trị, cung cấp túi thuốc… khi F0 có vấn đề" - lãnh đạo ngành Y tế quận Nam Từ Liêm thông tin.
Nhờ mô hình hoạt động này mà "gánh nặng" của mỗi cán bộ y tế được giảm bớt. "Một ngày, mỗi cán bộ y tế không thể đến, hỏi thăm tất cả 30-50 người mắc COVID-19. Cán bộ y tế phải nhờ những "chân rết" đến từng nhà F0. Đối với F0 không triệu chứng, cán bộ y tế nắm bắt số liệu, theo dõi sức khoẻ, gọi điện động viên. Trường hợp thấy có vấn đề như sốt, mệt mỏi… nhân viên y tế sẽ tư vấn và cung cấp trang thiết bị y tế" - lãnh đạo y tế quận Nam Từ Liêm thông tin thêm.
Trong khi đó, lãnh đạo ngành Y tế huyện Hoài Đức nhận định, để một nhân viên y tế làm tốt được việc quản lý, hỗ trợ nhiều F0 cần có sự hỗ trợ của công nghệ. Theo đó, cán bộ y tế sẽ theo dõi các bệnh nhân trên phần mềm. Nếu không, việc đi lại đến nhà vài chục bệnh nhân sẽ rất khó khăn khi lực lượng mỏng, số bệnh nhân F0 nhiều.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cho rằng, tại Hà Nội, các cơ sở điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chưa quá tải nhưng hệ thống y tế ở 1 số nơi có thể chưa cân đối được (có phường chưa quá tải hoặc quá tải trong từng thời điểm…). Do đó, y tế xã, phường cần có sự phân bổ, điều động hợp lý, thành lập thêm trạm y tế lưu động, đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất, ôxy, thuốc chữa bệnh ban đầu… theo quy định của Bộ Y tế.
"Điều quan trọng mà y tế xã, phường phải quan tâm đó là nguồn nhân lực. Nhân viên y tế không cần có chuyên môn sâu về hồi sức cấp cứu nhưng phải biết tư vấn phòng bệnh, ăn uống cho F0, tiên lượng, dự báo triệu chứng F0 chuyển nặng để đưa họ đi cấp cứu. Với tình hình F0 tăng như hiện nay, y tế cơ sở cần lấy thêm nguồn nhân lực ở các đơn vị khác, có thể là học sinh (phải đào tạo, tập huấn), phân công nhiệm vụ hợp lý, tránh hiện tượng F0 liên hệ mà không xử lý kịp thời" - ông Phu khuyến cáo.