“Không lo lắng vì đã có kinh nghiệm”
Trưa 25.5, theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, sau khi Hà Nội ban hành công điện yêu cầu từ 12h00 ngày 25.5.2021, tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hàng loạt nhà hàng, quán ăn tại các con phố sầm uất như phố cổ Hà Nội, phố Láng Hạ, đường Nguyễn Chí Thanh và đường Trung Kính... đã thu dọn đồ đạc đóng cửa và chỉ phục vụ khách mua hàng mang về.
Là chủ của một cửa hàng ăn có tiếng trên phố Láng Hạ, anh Trương Trọng Thanh (sinh năm 1985, trú tại phường Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, trước 12h trưa 25.5, cửa hàng vẫn mở bán và đón khách bình thường trong điều kiện đảm bảo các quy định phòng dịch an toàn.
“Tuy nhiên qua 12h trưa, chúng tôi đã dừng đón khách, dán thông báo tạm dừng hoạt động và chỉ phục vụ đồ ăn mang về” - anh Thanh cho hay.
Theo vị chủ cửa hàng này, trong tối 25.5, ngay sau khi nắm được chỉ đạo mới từ TP.Hà Nội, quản lý cửa hàng đã giao cho đội ngũ nhân viên chuẩn bị các phương án kinh doanh trong tình hình mới. Cụ thể, cửa hàng của anh Thanh đã chủ động chuẩn bị nhiều loại hộp đựng thực phẩm mang đi, in sẵn các thông báo ngừng đón khách và chỉ nhận đơn đặt hàng qua điện thoại, phục vụ khác mua hàng mang về.
Nói về những ảnh hưởng từ tình hình COVID-19 trong thời gian vừa qua, anh Thanh cho rằng, dịch bệnh đã khiến doanh thu cửa hàng sụt giảm khoảng 40 - 50% so với trước đó. Tuy nhiên, cửa hàng không lo lắng vì đã có những kinh nghiệm nhất định trước dịch để không bị động.
Trên phố Trung Kính, là một trong những người khách hàng ngồi lại cuối cùng trước 12h, chị Trần Thị Ngọc Bích (sinh năm 1995, trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, yêu cầu tạm dừng đón khách của Thành phố Hà Nội góp phần vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Đồng loạt ra quân yêu cầu người dân thực hiện Công điện số 11
Trao đổi với Lao Động, ông Lê Văn Phú - Trưởng Công an phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) - cho biết, thực hiện Công điện hỏa tốc số 11 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, từ đêm ngày 24.5 và sáng 25.5, lực lượng chức năng Công an phường Yên Hòa đã tổ chức nhiều đợt ra quân, tuyên truyền đến từng hộ kinh doanh và người dân chấp hành nghiêm túc các biện pháp đảm bảo phòng dịch, đặc biệt là quy định theo Công điện mới của thành phố.
“Trong sáng 25.5, chúng tôi đã cử nhiều chiến sĩ đến từng địa điểm kinh doanh quán triệt người dân không tụ tập đông người, không phục vụ đón khách tại các cơ sở kinh doanh mà chỉ được phép bán hàng mang về. Trong giai đoạn tiếp theo, công an phường sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm quy định phòng dịch” - ông Phú khẳng định.
Trong khi đó, tại khu vực phố cổ Hà Nội, các tổ công tác và lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã ra quân tuyên truyền, nhắc nhở các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, cắt tóc, gội đầu tạm dừng hoạt động, chỉ cho phép bán hàng mang về và gửi thông báo, bản cam kết đến từng hộ kinh doanh yêu cầu thực hiện nghiêm.
Trong đó, khi bán hàng mang về, các cửa hàng phải đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m đối với khách hàng đứng chờ bên ngoài. Trường hợp nếu người dân không đeo khẩu trang, kiên quyết không cho bán hàng hoặc báo cho chính quyền, lực lượng chức năng địa phương xử lý theo quy định.
Một cán bộ thuộc tổ công tác của quận Hoàn Kiếm thông tin, các cửa hàng cũng phải thực hiện vệ sinh khử khuẩn định kỳ tại cơ sở kinh doanh, phương tiện vận chuyển hàng hóa (phương tiện của nhân viên ship hàng theo đơn đặt hàng thương mại điện tử), sát khuẩn hàng hóa trước khi cho nhân viên đi giao hàng để phòng tránh lây nhiễm trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, hằng ngày, các lực lượng chức năng của quận sẽ thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của các cơ sở kinh doanh. Đối với các cơ sở cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, ông Vũ Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Ngay từ thời điểm trước ngày diễn ra bầu cử chúng tôi đã tổ chức đi tuyên truyền, nhắc nhở các hàng quán dọn dẹp trả lại lòng đường vỉa hè nên cơ bản tình hình an ninh trật tự đã đi vào nền nếp".
Cũng theo ông Vũ Tuấn Anh, sau khi có chỉ thị mới của Hà Nội về việc các quán ăn chỉ được bán mang về, đơn vị tiếp tục tổ chức các tổ kiểm tra, duy trì trạng thái trên, không cho tụ tập ăn uống đông người, đảm bảo giãn cách phục vụ công tác phòng, chống COVID-19.
Tận dụng thời gian vàng để khoanh vùng xử lý dịch
Tại phiên họp trực tuyến của BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 của TP.Hà Nội trong chiều 24.5, nói về các nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - đề nghị các đơn vị tiếp tục: Thần tốc truy vết các trường hợp F1 và người liên quan, tận dụng thời gian vàng để khoanh vùng xử lý dịch kịp thời, hiệu quả; Siết chặt quản lý cơ sở cách ly tập trung, trong bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, trong các khu cụm công nghiệp.
Trừ lực lượng y tế và các lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch ở tuyến đầu phải thường trực 24/24/7, đối với các cơ quan đơn vị của TP tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành, cho nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà (chỉ đến cơ quan khi thực sự cần thiết).
Ông Hạnh đề nghị tiếp tục mở rộng xét nghiệm sàng lọc cho các đối tượng/khu vực nguy cơ, trong đó tập trung xét nghiệm cho công nhân trong các khu/cụm công nghiệp; xét nghiệm sàng lọc cho những người làm việc trong các cơ quan chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng, chống dịch của thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng cơ quan hành chính các cấp, các công ty, tổ chức, tổ chức hội họp phải đảm bảo khoảng cách 2m, không quá 50% chỗ ngồi; họp trực tuyến; phòng họp phải thông thoáng; hạn chế sử dụng điều hòa trung tâm, vệ sinh khử khuẩn thường xuyên nhất là ở Khu liên cơ của TP trên phố Võ Chí Công; các đơn vị cũng có biển cần hạn chế tiếp khách.
Ông Dũng đề nghị, người dân trở về Hà Nội (bất kỳ địa phương nào) sau ngày 25.5 phải khai báo y tế trong 24h.
Với mong muốn toàn bộ người dân Việt Nam, đặc biệt là những người lao động nghèo được tiêm vaccine phòng COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Báo Lao Động phát động Chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo”.
Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” xin gửi về Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:
- Liên hệ trực tiếp Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động:
Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756 - 024.39232748
Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc. - Chuyển tiền qua tài khoản:
• STK 113000000758 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
• STK 0021000303088 tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội.
• STK 12410001122556 tại BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
• STK 1005755579 tại SHB, chi nhánh Hà Nội.
• Số tài khoản USD 115000196228 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ vaccine - Hỗ trợ qua Ví Momo:
- Mở Ví Momo .
- Chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn” .
- Thực hiện theo hướng dẫn.
- Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ vaccine. - Hoặc hỗ trợ trực tuyến: bằng cách bấm vào nút ỦNG HỘ NGAY bên dưới.