Những đơn thuốc bỏ trống người kê đơn
Như Lao Động đã thông tin trong bài viết "Bất thường những đơn thuốc ở Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông", mỗi ngày, có hàng chục bệnh nhân đến sinh nở tại Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Bệnh nhân và người nhà ra, vào phòng cấp cứu của khoa này nườm nượp.
Khi vừa vào, trong lúc sản phụ đang siêu âm, đo huyết áp, đã có một nhân viên y tế (điều dưỡng/hộ sinh) in tờ tạm ứng viện phí kèm 1 đơn thuốc, đi ra cửa, yêu cầu người nhà phải đi nộp tiền và mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện.
Theo quy định, chỉ bác sĩ mới được phép kê đơn thuốc, sau khi đã thăm khám và nắm được tiền sử dị ứng cũng như dùng thuốc của bệnh nhân. Thế nhưng, tại Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, rất nhiều đơn thuốc đều không được bác sĩ kê đơn mà người kê đơn chính là các điều dưỡng/hộ sinh.Theo điều tra của phóng viên, chính những điều dưỡng/hộ sinh là người làm thủ tục, hồ sơ sinh, cũng lại chính là những người tự in các đơn thuốc giống nhau, thậm chí tự ký tên bác sĩ vào phần bác sĩ kê đơn, rồi đưa cho người nhà bệnh nhân yêu cầu đi mua thuốc ngay khi sản phụ còn đang đo huyết áp và siêu âm tại phòng cấp cứu.
Không chỉ vậy, cũng có rất nhiều đơn thuốc không hề có chữ ký của bác sĩ. Thế nhưng nhân viên y tế vẫn đưa kèm vào giấy tạm ứng viện phí, yêu cầu người nhà bệnh nhân đi đóng tiền tạm ứng và mua đơn thuốc dưới nhà thuốc của bệnh viện ở tầng 1. Và một khi nhân viên y tế đã yêu cầu người nhà đi mua thuốc, thì rất ít người từ chối.
Đặc biệt, dù các đơn thuốc không hề có chữ ký của bác sĩ, thế nhưng nhân viên nhà thuốc vẫn bán thuốc cho người bệnh. Và kỳ lạ thay, trên hoá đơn bán hàng, vẫn ghi tên của bác sĩ kê đơn.
Đơn cử như đơn thuốc của bệnh nhân L.T.T (Hà Đông) đưa ra cho người nhà đi mua. Ngày 1.12, thời điểm đó, trong phòng cấp cứu không hề có bác sĩ nào, trong đơn thuốc cũng bỏ trống chữ ký người kê đơn nhưng trên hóa đơn bán hàng của nhà thuốc lại có tên bác sĩ C.S.Q. Theo điều tra của phóng viên, ngày 1.12, bác sĩ Q không hề có lịch trực.
Tương tự, tình trạng này cũng xảy ra tại khu dịch vụ sản phụ khoa tự nguyện của bệnh viện này. Tối 8.12, ghi nhận của các phóng viên điều tra cho thấy đơn thuốc của bệnh nhân N.T.N tại khu dịch vụ sản phụ khoa tự nguyện do hộ sinh có tên H.T kê đơn, đưa người nhà đi mua, nhưng trong phần chữ ký người kê đơn là tên bác sĩ Th. Thời điểm đó, bác sĩ Th không hề có mặt tại phòng tiếp đón bệnh nhân.
Vậy, nhân viên nhà thuốc dựa vào đâu để biết bác sĩ kê đơn là ai? Đây chỉ có thể là một sự kê đơn vô tội vạ, bán thuốc vô tội vạ và hết sức tuỳ tiện.
"Dạo này thất thoát đơn nhiều lắm"
Sau nhiều ngày điều tra, tìm hiểu sâu, phóng viên đã nhận thấy sự "móc nối" có hệ thống, có tổ chức giữa các khoa, phòng với nhau trong việc bán các đơn thuốc giống nhau tại Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Theo điều tra của phóng viên Lao Động, trong một hội nhóm kín để trao đổi chuyên môn giữa các nhân viên y tế với nhau tại Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, một bác sĩ tên Hoàn nhắn hình ảnh một cuốn sổ có tên “Sổ giao ban” và có chữ viết tay là “TD thuốc” (theo dõi thuốc - PV), kèm lời nhắn nhủ đến 56 thành viên trong nhóm này, với nội dung là: “Tiếp đón đã làm sổ theo dõi thuốc, anh chị em tiếp đón lưu ý kiểm tra hoá đơn mua hàng của bệnh nhân để tích cho đầy đủ vì sáng nay có bệnh nhân mua thuốc và vòng tay giống của bệnh viện nhưng là mua ở cửa hàng thuốc ngoài”.
Trong vai một người nhà bệnh nhân khác, phóng viên cầm đơn thuốc đi mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện như bao người nhà bệnh nhân khác. Phóng viên vừa giơ đơn thuốc lên, hỏi nhân viên bán thuốc: “Đơn này mua sau có được không?”, một nhân viên nhà thuốc trả lời: "Đơn sản thì phải mua chị ạ. Đơn này trên đó người ta kê thì phải mua để uống".
Tiếp đó, một nhân viên khác của nhà thuốc chạy lại cầm lấy tờ đơn rồi lấy điện thoại ra chụp ảnh lại tờ đơn thuốc, vừa chụp vừa nói với người bên cạnh: “Thấy bảo bệnh nhân ra ngoài mua nhiều lắm, dạo này thất thoát đơn nhiều lắm!”.
Việc nhân viên y tế kê những đơn thuốc giống nhau và dùng chiêu trò ép bệnh nhân phải mua khi vào viện không phải là một hiện tượng, mà đã diễn ra trong thời gian dài, phổ biến, có tổ chức và có hệ thống, thể hiện những dấu hiệu "móc nối" rõ ràng giữa Khoa Phụ sản với Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, nhằm mục đích tận thu của người bệnh.
Ngay tại phía cuối đơn thuốc mà các nhân viên y tế tại Khoa Phụ sản đưa người nhà bệnh nhân đi mua, có ghi chú rõ: "Các mục trên không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế". Như vậy có nghĩa là khi mua những loại thuốc này, toàn bộ các bệnh nhân phải chịu bỏ tiền túi ra để chi trả.
Theo số liệu thống kê, số lượng sản phụ sinh con tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông dao động từ 5.000-7.000 ca mỗi năm. Việc kê đơn thuốc như vậy đã diễn ra nhiều năm nay, với tần suất dày đặc và liên tục. Nếu tính chẵn mỗi hóa đơn thuốc là 1 triệu đồng thì mỗi năm, bệnh viện thu được số tiền bán thuốc ngoài bệnh án lên đến khoảng 5-7 tỉ đồng.
Mỗi năm, hàng nghìn bệnh nhân đã bị "móc túi" bằng các chiêu trò có tổ chức, có hệ thống tại bệnh viện này. Đa số họ là những người không hề khá giả gì về kinh tế, phải trông chờ từng đồng thanh toán viện phí của bảo hiểm y tế để tránh gánh nặng chi phí y tế.