Đồng bằng nước ngập trắng đồng
Theo chân anh Nguyễn Xuân Thiện và anh Phạm Ngọc Long - công nhân Điện lực huyện Hải Lăng - đi kiểm tra lưới điện khu vực Hội Yên. Nước ngập trắng đồng, không còn thấy dấu vết của con đường nào nữa. Chúng tôi chèo thuyền men theo phần nổi của đường dây điện. Nhiều thiết bị điện đã ngâm mình trong nước mấy ngày nay.
“Nước lên nhanh quá, đường tránh lũ cũng không còn đi được nữa. Thấy bà con không có điện, tôi cũng sốt ruột mà lực bất tòng tâm” - anh Thiện tâm sự. Vượt qua vùng ngập lụt, chúng tôi đến với vùng cát Hải An, Hải Khê. Ở đây không bị ngập lụt nhưng do ảnh hưởng của đầu nguồn nên cũng bị cắt điện.
18h40 ngày 10.10, sau một ngày ngược xuôi, nhóm anh Phạm Ngọc Long và anh Nguyễn Xuân Thiện đã kiểm tra và đóng điện xuất tuyến 472 trạm cắt Hội Yên cấp điện cho hai xã Hải An, Hải Khê. Cả ngày ngâm nước, mệt, đói và rét nhưng hai anh vẫn nở nụ cười: “Đóng điện được cho bà con kịp thời khắc phục hậu quả của lũ lụt là chúng tôi thấy hạnh phúc lắm”.
Hai phường Đông Lễ và Đông Lương (Thành phố Đông Hà) đã 4 ngày nay chưa có điện trở lại. “Thấy bóng anh em công nhân áo cam từ xa, bà con đã đưa thuyền cập bờ để hỗ trợ anh em đi kiểm tra lưới điện”, với tay quệt nước mưa ướt sũng, anh Trần Việt Khánh - công nhân Điện lực Đông Hà - bộc bạch: “Không có người dân giúp đỡ, chắc anh em cũng còn vất vả nhiều”. Không chỉ ở Thành phố Đông Hà, mà các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ… trong những ngày này, thấy bóng áo màu da cam ở đâu là bà con đến xem hỗ trợ ngay.
Miền núi: Nước vừa xuống lại lên
Nhà ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong đang chìm trong nước nhưng anh Lê Văn Nhu - công nhân Điện lực Đakrông - đành nhờ cha mẹ già và em trai đang học lớp 10 lo liệu. Còn anh tất tả cùng đồng nghiệp đi kiểm tra và xử lý sự cố lưới điện do mưa lũ gây ra.
“Chiều 9.10, nước có rút xuống một ít, chúng tôi vượt cầu tràn Húc Nghì sang thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì (huyện Hướng Hóa) kiểm tra lưới điện. Lúc quay về, cầu tràn bị ngập. Nhóm chúng tôi đành tá túc ở nhà dân qua đêm. Mãi đến chiều 10.10, chúng tôi mới quay lại đơn vị được khi nước rút chút ít” - anh Nhu tâm sự.
Tại thôn La Hót, xã A Bung (huyện Đakrông), anh Phan Văn Tùng - Đội trưởng Đội quản lý điện tổng hợp A Ngo - cùng hai anh Nguyễn Viết Lâm, Lê Trọng Sáng - công nhân Điện lực Đakrông - phải qua đêm dưới mái hiên nhà dân do khu vực này người dân đã được đưa đi di tản tránh lũ. Tại huyện Hướng Hóa, nhóm công nhân Phan Khắc Trúc, Hoàng Thanh Minh - công nhân Điện lực Khe Sanh - lại được các cô giáo, thầy giáo cắm bản tại Trường tiểu học và THCS xã Hướng Việt chiêu đãi bữa cơm mùa lũ. “Chúng tôi ở đây quen vậy rồi. Đi bất cứ đâu có dân bản là không sợ đói, sợ rét” - anh Trúc nói.
Nhìn con nước qua cầu tràn chỉ xuống một ít rồi lại lên, Đội trưởng Phan Văn Tùng - Đội quản lý điện tổng hợp A Ngo - cứ đứng ngồi không yên. Mấy ngày rồi, họ vẫn chưa đóng điện trở lại cho Cửa khẩu quốc tế La Lay được. Chỉ cấp điện cho 8 khách hàng qua 2 trạm biến áp, nhưng đây là những phụ tải quan trọng ở cửa khẩu quốc tế. Vật tư, phương tiện và cả những đồng nghiệp của anh Tùng đang sẵn sàng tại thị trấn Krông Klang, chỉ đợi thông đường là vào ứng cứu ngay.
Kỹ sư Trần Văn Cường - Trưởng phòng An toàn, Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Công ty Điện lực Quảng Trị - cho biết: “Đã hơn 4 ngày qua, người dân nhiều vùng không có điện. Anh em Điện lực đã cố gắng hết mình để khôi phục cấp điện trở lại để cho bà con ổn định sau lũ. Nhưng theo dự báo từ nay đến ngày 13.10, tỉnh Quảng Trị còn có mưa rất to, có nơi đặc biệt to, nước còn dâng lên nữa thì việc cấp điện còn nhiều khó khăn”.