Trong năm 2022, các cán bộ của Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh phối hợp với kiểm lâm và người dân địa phương ở huyện Ba Tơ, tiến hành 2 đợt khảo sát kéo dài khoảng 13 ngày. Qua đó, phát hiện 10 đàn, với 104 cá thể loài voọc chà vá chân xám tại 10 khu vực rừng ở các xã Ba Nam, Ba Xa, Ba Lế (Ba Tơ).
Ông Phạm Duy Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc tổ chức khảo sát hiện trạng và tổ chức báo cáo kết quả điều tra về sự phân bố và sinh cảnh sống của loài chà vá chân xám tại huyện Ba Tơ sẽ là cơ sở để ngành chức năng đề xuất các giải pháp bảo tồn trong thời gian đến.
Bên cạnh đó, đây sẽ là tiền đề đẩy nhanh quá trình quy hoạch xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên, góp phần tạo sự đồng bộ giữa các tỉnh trong việc bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn vọc chà vá chân xám nói riêng. Ngành nông nghiệp đang trình UBND tỉnh về việc tổ chức hội nghị tham vấn giải pháp bảo tồn loài chà vá chân xám trên địa bàn huyện Ba Tơ.
Voọc chà vá chân xám thuộc nhóm 1B trong danh mục động vật rừng thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp, quý hiếm, là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam được ghi chép trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.
Theo ước tính, trong cả nước, loài voọc chà vá chân xám ngoài tự nhiên có khoảng 2.200 - 2.500 cá thể, chỉ còn phân bố ở các tỉnh Gia Lai, Kom Tum, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách bảo tồn và phát triển bền vững loài voọc chà vá chân xám, nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm.
Theo báo cáo của các chuyên gia, giai đoạn 2010 - 2020, đã có khoảng 86 cá thể voọc chà vá chân xám ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên bị bắt giữ.
Tại Quảng Ngãi, vào tháng 10.2021, kiểm lâm đã phát hiện một vụ săn bắn 5 cá thể voọc chà vá chân xám ở xã Ba Trang (Ba Tơ). Liên quan đến vụ việc này, Văn phòng Chính phủ phát thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Khu vực rừng phòng hộ Ba Tơ tiếp giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (Bình Định) và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai), do đó việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Tơ sẽ hình thành một hành lang quan trọng để bảo tồn loài chà vá chân xám nói riêng và các giá trị đa dạng sinh học quan trọng nói chung.