Xây dựng thêm 10 cầu vượt cho người đi bộ
Bà Nguyễn Thị Bảy (68 tuổi) trú tại 167 Tây Sơn, cho biết, trên tuyến đường Tây Sơn có cầu vượt nhưng chỉ dành cho người khoẻ mạnh vì cầu được làm bằng thép cao, người già và người khuyết tật không thể đi được và cách đó vài chục mét cả bên phải và bên trái đều có ngã tư giao cắt. Nếu chỉ đơn thuần là cầu vượt cho người đi bộ thì khó nâng cao được ý thức và nhu cầu đi bộ qua cầu.
Theo các chuyên gia giao thông, nếu ý thức của người đi bộ không cải thiện thì có lẽ thành phố đầu tư bao nhiêu cũng trở thành lãng phí. Trong khi đó mới đây, Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng thêm 10 cầu vượt cho người đi bộ.
Được biết, khi Hà Nội bắt đầu triển khai đầu tư xây dựng hàng loạt cầu vượt dành cho người đi bộ, nhiều ý kiến cho rằng sẽ không hiệu quả và làm mất mỹ quan đô thị. Và trên thực tế nhiều địa điểm có cầu dành riêng cho người đi bộ nhưng hầu như không hiệu quả, người dân vẫn tự ý băng qua đường. Trong khi đó để xây dựng mỗi cây cầu chỉ để phục vụ đi bộ cho người dân mất từ 8 đến 10 tỉ đồng (tùy vào quy mô và thiết kế của cầu).
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn - Phó Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải (Trường Đại học GTVT) - cho biết, trước khi đổ lỗi cho ý thức của người dân, cần phải xem xét lại từ khâu quy hoạch, thiết kế (bao gồm lựa chọn vị trí, loại hình kiến trúc, công năng sử dụng và cách tiếp cận cho người sử dụng…) đã phù hợp hay chưa. Vấn đề này sẽ tác động đến phần ý thức.
Nếu phù hợp, sẽ làm cho người dân có xu hướng sử dụng tốt hơn, nếu bất hợp lý thì tỉ lệ vi phạm sẽ gia tăng đáng kể. Do đó, có thể khẳng định khâu nghiên cứu, lựa chọn vị trí và thiết kế những công trình cầu vượt và hầm chui cho người đi bộ đang bị coi nhẹ, đặc biệt là quy hoạch vị trí. Dẫn đến việc nhiều công trình sau khi đưa vào khai thác giá trị sử dụng đã bị giảm đi hiệu quả. Nguyên nhân chính do chúng ta chỉ làm theo dự án và giải quyết vấn đề tức thời, nên khi đưa vào thực tế sử dụng đã phát sinh rất nhiều vấn đề.
Đặc biệt, việc đặt được một vị trí xây dựng cầu đi bộ phù hợp cũng không đơn giản, nhất là tại trong vùng lõi đô thị. Do đó, cần phải có nghiên cứu quy hoạch các vị trí phù hợp, phải xác định chi tiết, loại hình phù hợp cho người đi bộ qua đường, nhất là phải nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để quản lý các dòng giao thông như vận tốc của dòng xe, lưu lượng phương tiện kể cả người đi bộ ra sao để đưa ra những tiêu chí lựa chọn để đặt cầu vượt.
Theo các chuyên gia giao thông, về logic những đường trục chính có lưu lượng người và phương tiện cao cần phải đặt cầu vượt hoặc hầm chui. Những đường phố nhỏ trong lõi (trung tâm) đô thị thì không cần thiết, có thể chỉ những vị trí đặc biệt như trường học, bệnh viện hay trung tâm thương mại, kết nối với các điểm xe buýt trung chuyển lớn, đường sắt đô thị. Khi tiến hành lập dự án đầu tiên cũng cần phải tính đến loại hình giao cắt. Hiện chúng ta đang áp dụng chung một hình thức cầu vượt bằng thép chỉ phù hợp cho người có sức khoẻ và có ý thức.
Cầu vượt phải là công trình kiến trúc văn hoá
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn đánh giá, điều quan trọng nhất là công trình xây dựng có phù hợp cho người đi bộ không, có đáp ứng được các tiêu chí về cảnh quan, môi trường không thì mới nói đến các giải pháp khác.
Ông Tuấn cho rằng, hiện nhiều nước trên thế giới đã xây dựng cầu vượt là một công trình kiến trúc có thang cuốn và thang máy hỗ trợ với rất nhiều hoạt động văn hoá, du lịch và thương mại để thu hút người dân tham gia. Đồng thời phải siết chặt quản lý việc người dân tự ý băng qua đường dưới mặt đất gây mất an toàn giao thông. Hiện chúng ta đã có quy định pháp luật về xử phạt vi phạm giao thông đối với người đi bộ, nhưng trên thực tế để cưỡng chế những hành vi này không đơn giản, nên cần có những biện pháp kỹ thuật kiểm soát mặt đất kết hợp với xử phạt.
Ngoài việc bất cập về quy hoạch nơi cần nhưng không có, nơi có thì không phát huy được hiệu quả. Hiện nhiều cầu đi bộ đã bị người dân lấn chiếm sử dụng sai mục đích, như bán trà đá lấn chiếm lối đi, nhiều cầu hai bên thành treo biển quảng cáo khiến lòng cầu như chiếc hộp vào những ngày nắng nóng và ngày mưa thì ẩm ướt khiến người dân cảm thấy bất an khi đi qua.
Để nâng cao ý thức thì những nghiên cứu đặt cầu phải thực sự tạo thuận lợi cho người sử dụng. Tiếp đến cần những biện pháp mạnh về xử phạt và giám sát vi phạm, cũng như các biện pháp cưỡng chế phải phù hợp thì mới nâng cao được ý thức của người dân.
Điều 32 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường”. Ngoài ra, quy chuẩn 41/2016 về kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ quy định: “Để báo đường cấm người đi bộ qua lại, phải đặt biển số P.112 “Cấm người đi bộ”. Nếu tuân thủ quy định trên và đường không có biển cấm người đi bộ thì người đi bộ không vi phạm luật.