Ngày 24.1, Ban Quản lý các dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa xác nhận Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có tờ trình gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Phương án thực hiện các hạng mục còn lại thuộc hợp phần 2 Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải – Tiểu Dự án thành phố Nha Trang (Dự án CCSEP Nha Trang).
Dự án này do Ban Quản lý các dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa triển khai nhưng từ năm 2017 đến nay liên tục chậm tiến độ. Mới đây nhất vào cuối năm 2023, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) đã quyết định không tiếp tục tài trợ các hạng mục thuộc Hợp phần 2 của Dự án CCSEP Nha Trang với số vốn lên đến 10 triệu USD.
Chưa tuân thủ Khung chính sách đền bù từ World Bank
Trong tờ trình gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết trong năm 2023, World Bank có nhiều thư gửi địa phương qua đó đánh giá tiến độ công tác giải phóng mặt bằng của dự án không đảm bảo theo tiến độ cam kết.
Việc này dẫn đến khả năng thi công hoàn thành các hạng mục thuộc Hợp phần 2 trước ngày kết thúc Hiệp định 30.6.2024 là không khả thi.
Việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng do các nguyên nhân chủ quan trong đó có việc Hội đồng bồi thường quan ngại trong việc áp dụng Khung chính sách đền bù của World Bank, do đó mất nhiều thời gian họp xử lý, thông qua phương án.
Chưa hết, các quyết định thu hồi đất chưa đáp ứng theo quy định của Khung chính sách đền bù, vì vậy World Bank yêu cầu cung cấp để rà soát.
Sau khi rà soát, đến ngày 17.3.2023, World Bank đã yêu cầu dừng các hoạt động thu hồi đất cho đến nay.
"Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng dự án do trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đã chưa tuân thủ theo Khung chính sách đền bù của nhà tài trợ; mất thời gian xử lý, chỉnh sửa nhiều lần theo ý kiến của World Bank và dẫn đến việc dừng các hoạt động thu hồi đất cho đến nay" - trích ý kiến của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa.
Đề xuất dùng vốn đối ứng thay vốn ODA
Đối với câu chuyện World Bank hủy tài trợ đối với Hợp phần 2 (Dự án CCSEP Nha Trang), hiện nay tỉnh Khánh Hòa đang có 2 phương án để xử lý.
Theo phương án 1, địa phương sẽ dùng vốn đối ứng (ngân sách tỉnh) thay vốn ODA để tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại của Hợp phần 2.
Ngược lại thì phương án 2, địa phương sẽ cắt giảm toàn bộ các hạng mục còn lại của Hợp phần 2 ra khỏi Dự án CCSEP Nha Trang và tiến hành lập dự án mới khi đưa vào kế hoạch đầu tư công. Cả 2 phương án này đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng.
Như phương án 1 sẽ sớm hoàn thành các hạng mục quan trọng của dự án một cách đồng bộ; tránh rủi ro khiếu kiện của các nhà thầu khi đơn phương chấm dứt hợp đồng và tiếp tục áp dụng khung chính sách của World Bank. Tuy nhiên, phương án 1 cũng có khuyết điểm là thủ tục pháp lý có thể kéo dài…
Riêng đối với phương án 2, ưu điểm là thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư khi cắt giảm toàn bộ các hạng mục còn lại của Hợp phần 2 ra khỏi Dự án CCSEP Nha Trang sẽ được các bộ ngành xem xét thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt nhanh chóng.
Tuy nhiên đáng lo ngại là phương án này có một số rủi ro như khiếu kiện của các nhà thầu khi đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Đặc biệt, nếu tách các hạng mục của Hợp phần 2 thành dự án độc lập, thì thủ tục xin Thủ tướng tiếp tục áp dụng khung chính sách đền bù của World Bank khó được chấp nhận. Đó là chưa kể việc tăng chi phí, kéo dài thời gian thực hiện…
Sau khi đánh giá, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa áp dụng phương án 1.