“Có những người được cấp bằng lái xe, có khi cả năm chẳng lái”
Góp ý về hai dự án luật, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội – cho biết, chủ chương sửa đổi Luật Giao thông đường bộ đã có từ lâu, nhưng do nhu cầu thực tiễn đặt ra, nên phải sửa đổi theo hướng tách Luật Giao thông đường bộ và xây dựng thêm dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Về điểm mới của Dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, theo ông Đức, Luật tập trung nhiều vào điều chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Ví dụ như quỹ đất dành cho giao thông hiện nay phải tính như thế nào để đáp ứng được nhu cầu của giao thông đường bộ ngày càng lớn.
“Điều này đòi hỏi phải có sự quy hoạch tổng thể, người đứng đầu tỉnh, thành phố phải có tầm nhìn bao quát về cơ sở hạ tầng của tỉnh, thành phố đó đồng bộ với hạ tầng giao thông, dành quỹ đất dành cho giao thông. Nếu không bao quát được sẽ xảy ra việc cứ làm đường xong, sau đó xây dựng trung tâm dịch vụ quá lớn, dẫn đến ùn tắc, kẹt xe và nhiều hệ lụy phát sinh”- ông Đức nhấn mạnh.
Ông Đức cũng cho rằng cần chấm dứt tình trạng đường mọc ra ở chỗ nào thì nhà cửa mọc lên ở đó. Trong khi các nước trên thế giới tính toán tất cả con đường cao tốc chạy qua không có nhà cửa, hay trung tâm dịch vụ ngay sát đường thì ở nước ta dường như ngược lại.
Góp ý về vấn đề đào tạo, sát hạch lái xe, hiện có câu chuyện tranh luận rất lớn là chuyển sang cho Bộ Công an quản lý hay vẫn để cho Bộ GTVT quản lý như hiện nay. Theo ông Đức, hiện toàn bộ trung tâm đào tạo, sát hạch hiện nay đã được xã hội hóa. Ông cho rằng vấn đề chuyển cơ quan quản lý cần phải tính toán kỹ, nghiên cứu thấu đáo, đánh giá kỹ tác động.
“Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất vẫn là Luật cần quy định rõ việc giám sát đào tạo, sát hạch lái xe như thế nào. Cần sự vào cuộc giám sát của mặt trận tổ quốc, HĐND cấp tỉnh, Quốc hội, trao quyền cho họ giám sát như thế nào để việc đào tạo, sát hạch lái xe phải thật chuẩn” – ông nói.
Cũng theo ông Đức, hiện nay có sáng kiến là trừ điểm lái xe nếu họ vi phạm, ông đề xuất Việt Nam nên làm như một số nước khác trên thế giới. Mỗi năm họ đều đào tạo kiến thức về Luật Giao thông và kiểm tra việc thực hành như thế nào.
“Hiện nay có người thi bằng lái xong và lái xe thường xuyên. Đương nhiên khi thực hành nhiều thì kỹ năng sẽ tốt hơn. Nhưng có những người được cấp bằng lái xe, có khi cả năm chẳng lái, chắc chắn tay nghề kém hơn. Bây giờ cần tính toán như nào để kiểm tra đối tượng này”- ông Đức nhấn mạnh.
Có cần thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe?
Còn đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) thì đặt vấn đề có cần thiết phải tách thành 2 luật hay không.
"Đảm an toàn giao thông đường bộ chỉ là mục tiêu để tham gia giao thông đường bộ. Tôi thấy tách ra thấy không hợp lý, mình chữa lợn lành có khi thành lợn què... Câu chuyện đang liên kết với nhau bây giờ xé ra, chúng ta cần liên kết, liên thông, bảo đảm tính đồng bộ, logic. Vậy vướng gì ở đây chúng ta phải sửa để đồng bộ, tốt hơn chứ không phải là xé ra, tôi cho rằng không ổn"- ông Sinh nêu quan điểm.
Về vấn đề đào tạo, sát hạch lái xe, ông Sinh cho rằng chúng ta nên thực hiện xã hội hóa. "Câu chuyện ở đây phải tìm được bản chất tai nạn giao thông là do vấn đề gì, do các yếu tố như kết cấu chuẩn chưa, phân làn tốt chưa, phương tiện tốt hơn, người lái xe tình trạng thế nào? Giờ chuyển cơ quan quản lý vấn đề này sẽ bao nhiêu hệ lụy kèm theo, đã xã hội hóa mấy trăm cơ sở đào, hàng nghìn biên chế của ngành giao thông bây giờ đi đâu?" - ông Sinh nói và cho rằng quan trọng nhất vẫn là giám sát, kiểm tra để làm tốt hơn việc đào tạo, sát hạch lái xe.