Trao đổi với Báo Lao Động ngày 6.7, ông Trần Quốc Hoan, phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 2903V (Hà Nội) cho biết, giá dịch vụ đăng kiểm hiện hành khá thấp. Do đó, đề xuất tăng giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong bối cảnh hiện nay hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định áp giá trần dịch vụ đăng kiểm, nhiều trung tâm sẽ khó đảm bảo hoạt động bởi, hiện năng suất kiểm định của trung tâm mỗi ngày chỉ dao động từ 70-90 xe, giảm mạnh so với giai đoạn trước.
Trong khi đó, nhân sự được bổ sung ngày càng đông với 31 người. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gặp khó khăn trong việc chi trả lương, hỗ trợ đời sống các đăng kiểm viên.
Nếu áp giá trần dịch vụ đăng kiểm, nhiều trung tâm ở khu vực ngoại ô hay ở các tỉnh không phải thuê đất hoặc thuê đất với giá rẻ có thể hạ giá dịch vụ thấp để “kéo khách”. Như vậy các trung tâm đăng kiểm trong thành phố khó đảm bảo cạnh tranh.
Một chuyên gia trong ngành đăng kiểm chia sẻ với Báo Lao Động, việc áp giá trần dịch vụ đăng kiểm có thể tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.
Bởi, đăng kiểm là thủ tục bắt buộc đối với các phương tiện cơ giới. Tuy nhiên, chi phí đầu vào của các trung tâm hiện nay là khác nhau, đặc biệt là chi phí thuê mặt bằng. Nếu áp giá trần dịch vụ đăng kiểm, các trung tâm ở ngoại thành hoàn toàn có thể hạ giá dịch vụ đăng kiểm “bóp chết” các trung tâm đăng kiểm ở nội đô. Bởi các trung tâm này chi phí thuê mặt bằng rất lớn. Việc này có thể tạo ra sự phát triển không đồng đều, thậm chí tạo ra sự lũng đoạn ngành đăng kiểm cũng như cạnh tranh không lành mạnh.
Do đó, vị chuyên gia này kiến nghị nhà nước vẫn nên quy định giá cụ thể với với dịch vụ đăng kiểm như trước đây nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định, công bằng giữa các trung tâm đăng kiểm.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, thống nhất đề xuất định giá tối đa dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Tại Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Chính phủ đã giao thẩm quyền quy định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới cho Bộ Giao thông Vận tải.
Bộ có trách nhiệm chủ trì xây dựng và thống nhất với Bộ Tài chính trước khi ban hành quy định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo quy định của pháp luật về giá, tuy nhiên, chưa điều chỉnh về hình thức nhà nước định giá đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Hiện nay thị trường cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới có 281 trung tâm đăng kiểm thuộc nhiều thành phần kinh tế, hoạt động trên phạm vi cả nước. Trong đó, các trung tâm thuộc khối tư nhân đang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp là 192/281 đơn vị, chiếm 68,3% tổng số các trung tâm đăng kiểm.
Sau khi Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có hiệu lực, điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã được mở rộng, số lượng doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới có thể sẽ tăng lên đáng kể do có sự tham gia của các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng ôtô.
Khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh về cung cấp dịch vụ, giá cả theo cơ chế thị trường.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, theo từng khu vực, vùng miền sẽ có chi phí cấu thành giá dịch vụ kiểm định khác nhau (thuê đất, chi phí nhân công, khấu hao thiết bị, chi phí quản lý…). Về nguyên tắc kinh tế thị trường, nhà nước không nên cố định một mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới cho nhiều loại hình đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm trên toàn quốc.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Tài chính xem xét, thống nhất chấp thuận để Bộ Giao thông Vận tải thẩm định phương án này.