Là một người có phương tiện di chuyển chính là ôtô, anh Nguyễn Minh Hải (41 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết anh thường xuyên phải đi bảo dưỡng chiếc xe.
“Thường thì tôi sẽ đến gara, để ôtô của mình lại rồi kiếm quán nước gần đó ngồi” – anh Hải chia sẻ.
“Để kiểm tra xe thì nhân viên họ hay kêu bỏ lại chìa khóa xe để có thể khởi động, hoặc thậm chí chạy thử một đoạn để kiểm tra. Nếu chẳng may nhân viên gây tai nạn, tôi sợ sẽ gặp rắc rối với pháp luật” – anh nói thêm.
Vừa qua, Bộ Công an cũng nhận được câu hỏi của người dân về vấn đề nhân viên gara lái xe của khách để thử động cơ và va chạm làm một người tham gia giao thông bị thương.
“Tôi muốn hỏi, trường hợp nhân viên sửa xe dùng xe của khách gây tai nạn thì sẽ bị xử lý như thế nào? Tôi có bị liên đới gì không?” – người này thắc mắc.
Theo Bộ Công an, thông tin diễn biến vụ việc trong trường hợp vừa nêu ra là không đầy đủ để có thể đánh giá nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vụ tai nạn giao thông và trách nhiệm của các bên liên quan.
Trường hợp nếu nguyên nhân gây ra vụ tai nạn giao thông do lỗi thuộc về nhân viên sửa xe (người điều khiển phương tiện), thì căn cứ vào hậu quả vụ tai nạn, người điều khiển phương tiện có thể: (1) bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); (2) bị xử lý hành chính (nếu hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản gây ra cho người khác dưới mức quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015).
Giải quyết bồi thường về thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông do các bên có liên quan trong vụ tai nạn giao thông tự bàn bạc thỏa thuận, thống nhất mức bồi thường (theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015). Trường hợp các bên liên quan không thống nhất được thì làm đơn gửi tòa án nhân dân các cấp xem xét, giải quyết theo quy định.
Việc liên đới của chủ phương tiện theo tình huống đưa ra (chỉ giao phương tiện cho nhân viên sửa chữa, bảo dưỡng) thì chủ phương tiện không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 263 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ”; Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ” hoặc bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Luật sư Nguyễn Thu Trang (Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long) cho biết, Khoản 5 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định như sau:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe môtô thực hiện hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng)...