Trao đổi về vấn đề này, một bác sĩ làm việc tại bệnh viện phục hồi chức năng cho rằng, ngành y là ngành khoa học tự nhiên, nên phải chọn được những người giỏi về các môn học khoa học tự nhiên.
“Học sinh phải có tư duy, kiến thức tốt về khoa học tự nhiên thì mới học tốt ngành y được. Tuy nhiên, nếu học sinh xét tuyển vào ngành y đã giỏi các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hoá, Sinh mà còn có thêm năng lực về môn Văn nữa thì càng tốt, vì nếu giỏi môn học này thì cũng sẽ tốt cho công việc” - nữ bác sĩ này cho hay.
Theo bác sĩ này, học tốt môn Văn sẽ hỗ trợ trong giao tiếp, ứng xử, viết khi làm việc, nhưng những người chỉ giỏi môn Văn mà làm việc trong ngành khoa học tự nhiên nói chung và y nói riêng sẽ rất khó khăn.
“Ưu tiên người giỏi Văn vào ngành y, cụ thể hơn là nếu tuyển thẳng học sinh giỏi văn Quốc gia vào làm bác sĩ thì tôi sẽ phản đối. Hơn nữa, nghề bác sĩ cần phải có “cái đầu lạnh” khi cấp cứu bệnh nhân, nhiều khi không thể để cảm xúc chi phối được, mà phải khoa học, logic, bài bản trong chẩn đoán, xử lý. Nếu để cảm xúc lấn át thì không thể làm tốt được” – bác sĩ này nêu ý kiến.
Tương tự, một phó giám đốc của bệnh viện tại tỉnh Hòa Bình bày tỏ, nếu học sinh đã giỏi các môn tự nhiên, học tốt thêm môn Văn thì sẽ rất tốt không chỉ khi làm nghề bác sĩ mà còn bất kỳ công việc nào thuộc ngành khoa học tự nhiên.
“Tuy nhiên, nếu môn Văn được sử dụng trong tổ hợp tuyển sinh viên ngành y thì tôi lo ngại sẽ tăng gánh nặng cho học sinh” – phó giám đốc cho biết và nói thêm, kỹ năng giao tiếp được rèn luyện qua quá trình học tập, làm việc. Không phải cứ học giỏi Văn là sẽ giỏi về kỹ năng giao tiếp, trong khi đó, giỏi các môn tự nhiên cũng có thể giỏi về giao tiếp nếu chịu khó học hỏi, rèn luyện. Kỹ năng giao tiếp đâu phải chỉ do môn Văn mà có, mà tổng hợp của nhiều yếu tố trong quá trình học hỏi, rèn luyện.
Một bác sĩ bệnh tư tại Hà Nội phản đối dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y vì cho rằng, để được xét tuyển vào ngành y, học sinh đã học rất vất vả các môn khoa học tự nhiên rồi; nếu phải học tốt thêm môn văn nữa thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tăng gánh nặng cho học sinh.