"Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh"
Hiện nay, các bệnh lý hậu COVID-19 đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhiều F0 sau quá trình tự điều trị tại nhà đã đôn đáo tìm kiếm các gói khám hậu COVID-19. Thậm chí, một số người đang trong quá trình điều trị COVID mức độ nhẹ cũng sốt sắng tìm hiểu các xét nghiệm cần làm sau khi âm tính.
Cả gia đình 4 người nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2 cách đây 5 ngày, chị Nguyễn Bích Ly (trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị đã tiêm 3 mũi vaccine nên không có triệu chứng, con gái lớn 5 tuổi bị sốt và ho, con gái út gần 1 tuổi bị tiêu chảy. Đến hôm nay triệu chứng đã thuyên giảm, các con đã chịu ăn uống và nô đùa. Tuy nhiên, điều vợ chồng chị lo lắng nhất hiện nay là các di chứng hậu COVID-19.
"Mặc dù vợ chồng tôi không có triệu chứng nhưng vẫn lo vì một khi virus đã xâm nhập vào cơ thể chắc chắn sẽ để lại tổn thương. Các con còn chưa tiêm vaccine nên việc đi khám hậu COVID-19 là rất quan trọng. Tôi đã tham khảo các gói khám tại nhiều phòng khám, tốt nhất nên làm đầy đủ các xét nghiệm để tránh bỏ sót tổn thương, phòng bệnh còn hơn chữa bệnh" - chị Ly chia sẻ.
Nói rồi, chị Ly liệt kê ra các gói khám hậu COVID-19 từ cơ bản, nâng cao, chuyên sâu đến gói VIP với hàng loạt dịch vụ đi kèm, giá cả chênh lệch từ vài trăm đến hàng triệu đồng một gói tại các bệnh viện tư.
Ví dụ tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông gói tiêu chuẩn có giá 450.000 đồng; Bệnh viện Đa khoa Hà Nội gói tầm soát là 495.000 đồng; Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc gói khám cơ bản có giá là 1.900.000 đồng; Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc gói cơ bản có giá là 3.500.000 đồng;... Các gói khám chuyên sâu, gói VIP có giá lên đến 8.000.000-9.000.000 đồng/gói.
"Các gói khám mỗi nơi một giá nên vợ chồng tôi cũng đang tham khảo các xét nghiệm đi kèm, dự định là tốn kém nhưng vẫn phải kiểm tra để yên tâm" - chị Ly nói.
Những trường hợp nên đi khám hậu COVID-19
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, các triệu chứng thường gặp của COVID kéo dài và hậu COVID là: Mệt mỏi kéo dài, suy giảm thể lực; Hụt hơi, không hít thở sâu; Ho khan, khàn tiếng; Tim đập nhanh, hồi hộp, cảm giác nhói ở tim; Sương mù não - phản ứng chậm, giảm trí nhớ, cảm thấy lơ mơ; Thiếu máu não - nặng đầu, ong đầu, đau đầu, mỏi mắt, ù tai, giảm tập trung, dễ cáu gắt; Lo lắng, căng thẳng, dễ xúc động, ngủ kém, không ngủ được.
Bên cạnh đó là các cảm giác tê bì, cảm giác râm ran, kiến bò, chân tay không yên, cảm giác kim châm, bỏng buốt; Rối loạn điều nhiệt - thường xuyên cảm thấy ớn lạnh (hoặc nóng), mồ hôi trộm; Mất hoặc giảm vị giác, khứu giác, ăn nhạt miệng, ăn không thấy ngon, khô miệng; Trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn co thắt đại tràng, đau vùng thượng vị; Đau cơ, đau khớp, đau cổ vai gáy; Mẩn ngứa, phát ban, dị ứng kéo dài. Và phụ nữ còn rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da khô sần sùi.
Theo đó, người bệnh chỉ nên đi khám hậu COVID-19 nếu gặp các triệu chứng gây ảnh hưởng nhiều đến việc sinh hoạt, làm việc thường ngày. Hoặc đã từng nhập viện để điều trị COVID-19. Hoặc có bệnh nền, dùng thuốc ức chế miễn dịch hay chưa tiêm đủ 2 liều vaccine.
"Nếu không thuộc một trong các trường hợp trên, thì không cần phải đi khám hậu COVID-19. Tuy nhiên nên đi kiểm tra sức khỏe sau khi âm tính khoảng 6-8 tuần" - bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi khám hậu COVID sẽ khám những gì, bác sĩ Hoàng cho biết, các bác sĩ sẽ khám, xét nghiệm một hoặc vài nhóm chuyên khoa như sau: Đánh giá chức năng hô hấp; Đánh giá chức năng tim mạch; Đánh giá các triệu chứng thần kinh; Đánh giá các triệu chứng tiêu hóa; Đánh giá các triệu chứng về cơ-xương-khớp; Đánh giá các triệu chứng khác nếu có; Xét nghiệm công thức máu, chức năng gan, thận; Xét nghiệm các chỉ số về đông máu, các chỉ số về tình trạng viêm.
Trao đổi với Lao Động, BSCKII. Trần Minh Thảo - Phó trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ cho chỉ định làm các xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán, tránh lãng phí thăm dò không thực sự cần thiết cho người bệnh.