Tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh năm 2013-2018 và kế hoạch 2018-2020 diễn ra sáng 15.11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Nhờ có các bệnh viện hạt nhân chuyển giao kỹ thuật mà hiện nay, một số bệnh viện tuyến tỉnh đã tiến hành phẫu thuật ghép tạng thành công. Bệnh viện tuyến huyện cũng đã mổ được nội soi, nuôi dưỡng và cứu sống được trẻ sơ sinh chỉ 500gram... Đây là những bước tiến đáng phấn khởi, là kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh.
"Các y bác sĩ tuyến dưới được chuyên gia ở tuyến trên "cầm tay chỉ việc", trình độ tay nghề được nâng lên rõ rệt. Thông qua hệ thống telemedicine (điều trị), nhiều ca bệnh được hội chẩn trực tuyến, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, tỉ lệ tai biến cũng giảm đi, giảm bệnh nhân tử vong"- Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, Đề án bệnh viện vệ tinh có ý nghĩa nhân văn rất lớn, bệnh viện tuyến dưới được nâng cao trình độ thì các bệnh viện tuyến trên sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung thực hiện các kỹ thuật cao ngang tầm quốc tế và nghiên cứu khoa học...
"Bệnh viện trung ương chỉ nên tập trung thực hiện kỹ thuật cao, còn các bệnh thông thường nên khám ở tuyến dưới tránh tình trạng quá tải. Có bệnh viện khám 5.000- 8.000 bệnh nhân/ngày, bệnh nhân xếp hàng chờ từ 4h sáng trong khi tuyến dưới lại thưa thớt"- Bộ trưởng chỉ rõ.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện K Trung ương... cần xây dựng các trung tâm đào tạo ngang tầm quốc tế.
"Những bệnh viện vệ tinh nếu làm tốt thì sẽ thành lập hệ thống các bệnh viện vệ tinh của mình. Trong thời gian qua, một số bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội như: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn... hoặc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã làm rất tốt, thực hiện được nhiều kỹ thuật mới"- Bộ trưởng cho hay.
Ngoài việc cần quan tâm nâng cao trình độ tay nghề, sắp xếp lại tổ chức, quyết liệt cải cách hành chính, hẹn giờ khám cho bệnh nhân đỡ vất vả..., Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý các bệnh viện cần quan tâm đến vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện và vấn đề kháng kháng sinh đang rất nóng hổi.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, sau 5 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2018 đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh.
10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.