Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi mang lại nhiều lợi ích
Bàn về lợi ích tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ tại tọa đàm "Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) -khẳng định, tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ các cháu hơn là tác hại.
Theo đó, việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ là xu hướng toàn cầu, các quốc gia khác còn đang nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi, từ 6 tháng trở lại. Vì vậy, để bảo vệ trẻ, BS Hùng khuyên phụ huynh nên sớm đồng ý cho trẻ tiêm. Nếu không các cháu sẽ là đối tượng yếu nhất, dễ lây nhiễm nhất.
PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cũng khuyến cáo, COVID-19 cũng như các bệnh do virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cần đưa trẻ em đi tiêm vaccine COVID-19 để chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Thông tin về loại vaccine tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, đối với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vaccine khác nhau.
Tới đây tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi sẽ sử dụng vaccine do hãng Pfizer BioNTech sản xuất. Tuy nhiên, hàm lượng kháng nguyên hoàn toàn khác với vaccine đã tiêm cho lứa tuổi trẻ từ 12-17 tuổi. Theo đó, hàm lượng chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn và cách thức triển khai, pha vaccine, đóng lọ và số liều vaccine trong một lọ cũng sẽ phải tập huấn rất kỹ lưỡng.
"Một lần nữa, chúng tôi rất mong muốn các bậc phụ huynh hãy tin tưởng. Tới đây, công tác tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 sẽ tiếp tục được triển khai một cách an toàn, từ kinh nghiệm của các đợt tiêm chủng trước đây và đặc biệt là đối với đợt triển khai cho trẻ em từ 12-17 tuổi" - PGS Hồng chia sẻ.
Bàn về vấn đề trên, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho rằng, chúng ta cần hiểu rõ bản chất của vaccine. Theo đó, vaccine COVID-19 là loại vaccine RNA thông tin - khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa vật liệu di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng.
"Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn" - PGS Điển thông tin.
"Thương con là phải bảo vệ con tốt hơn, tránh rủi ro cho con nhiều hơn"
Thấu hiểu nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) - cho rằng, chúng ta hết sức thông cảm với phụ huynh khi lo lắng lúc tiêm con gặp phải những biến chứng, sốc phản vệ.
Theo đó, kế hoạch tiêm cho trẻ phải kỹ càng, thận trọng, chu đáo. Trước hết phải tạo sự đồng thuận cho các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và học sinh. Đồng thời, giúp mọi người thấy rõ lợi ích của tiêm vaccine cao hơn nhiều so với không tiêm.
"Chỉ còn 10% trẻ chưa tiêm sẽ trở thành yếu thế và nguy cơ mắc COVID-19 rất cao. Nếu 10% trẻ lứa tuổi này được tiêm sẽ tạo được mảnh ghép còn lại, các cháu sẽ được đi học, yên tâm và phát triển bình thường" - BS Hùng chia sẻ.
Nhìn nhận vấn đề này, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - nêu quan điểm, từ các chứng cứ, căn cứ khoa học thực tiễn cho thấy, không tiêm vaccine COVID-19 rủi ro sẽ lớn hơn tiêm rất nhiều. Vì vậy, nên lựa chọn phương án tốt hơn, không tiêm là phương án xấu hơn vì trẻ dễ bị lây nhiễm, trở nặng, để lại nguy cơ hậu COVID-19 nhiều hơn.
"Thương con là phải bảo vệ con tốt hơn, thương con là phải tránh rủi ro cho con nhiều hơn chứ không phải tước bỏ quyền được tiêm của trẻ em.
Nhìn từ góc độ quyền của trẻ em thì đây là quyền được tiêm chủng, quyền không bị lây nhiễm bệnh tật. Nếu chúng ta không ủng hộ việc tiêm chủng là chúng ta tước bỏ quyền được tiêm chủng của trẻ em" - TS Nguyễn Sĩ Dũng bày tỏ.