Trong khuôn khổ các hoạt động phát triển năng lực đánh giá công nghệ y tế tại Việt Nam, ngày 27.11, Bộ Y tế và trường Đại học Y tế công cộng phối hợp tổ chức Hội nghị "Đánh giá công nghệ y tế (HTA) tại Việt Nam".
HTA đã bước đầu được ứng dụng trong xây dựng danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam. TS Hà Văn Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, theo xu hướng chung trên thế giới thì chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng; các quốc gia tăng cường kiểm soát tăng chi phí y tế; cùng với đó là việc sử dụng các thuốc mới và kỹ thuật cao khiến tăng chi phí cá nhân người bệnh đồng thời tăng chi phí cho hệ thống y tế nói chung cũng như BHYT nói riêng.
Theo số liệu thống kê, thuốc chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi BHYT, theo đó, năm 2010 chi phí KCB BHYT khoảng 18.681 nghìn tỉ đồng thì chi phí thuốc BHYT là 11,50 nghìn tỉ đồng chiếm 61,60% đến năm 2016 chi phí KCB BHYT tăng lên 76,34 nghìn tỉ đồng thì chi phí thuốc là 31,3 nghìn tỉ đồng, chiếm 41% và năm 2017 chi phí KCB BHYT là 97,1 nghìn tỉ đồng thì trong đó chi phí thuốc là 34,98 nghìn tỉ đồng, chiếm 34%...
Chính vì vậy, việc Ban hành Danh mục thuốc BHYT là một trong những yếu tốt quan trọng hàng đầu để vận hành tốt, có hiệu quả hệ thống BHYT. Bất cứ hệ thống BHYT nào cũng đều không có khả năng bảo đảm chi trả cho tất cả các thuốc trên thị trường.
Ở nhiều quốc gia, trung bình có khoảng 600 thuốc (API: hoạt chất) trong số hàng chục ngàn thuốc có trên thị trường, được đưa vào Danh mục Thuốc BHYT. HTA chính là công cụ để quyết định trong việc xây dựng Danh mục thuốc BHYT và phương thức, tỷ lệ chi trả cho thuốc.
Tuy nhiên, TS Hà Văn Thúy cũng cho biết Việt Nam hiện chưa có chính sách quốc gia, chưa có văn bản, quy phạm pháp luật, chưa có thang điểm cụ thể cho các nghiên cứu, chưa có đơn vị độc lập về đánh giá công nghệ y tế; số lượng chuyên gia chưa đáp ứng đủ nhu cầu, chất lượng chưa đồng đều; Số lượng nghiên cứu nền tảng về HTA còn thiếu.
"Hiện nay nhu cầu bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng chính sách y tế gia tăng. Đây là lĩnh vực mới, phức tạp và khó. Trong khi đó, năng lực thực hiện đánh giá công nghệ y tế ở Việt Nam còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đòi hỏi phải có một hướng dẫn về phương pháp tạo chuẩn mực mặt bằng về chất lượng và nâng cao năng lực đánh giá công nghệ y tế"- TS Nguyễn Khánh Phương, Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho hay.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: "Ở Việt Nam, trong bối cảnh các nguồn lực dành cho y tế ngày càng trở nên khan hiếm, đánh giá công nghệ y tế cần được phát triển và ứng dụng trong quá trình lập kế hoạch, quản lý và hoạch định chính sách y tế".