Nguy cơ dịch sau mở cửa đã nằm trong kịch bản
Hôm nay 14.10, hàng loạt hoạt động ở Hà Nội như xe buýt, taxi chạy lại, bảo tàng, công viên mở cửa đón khách, khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được mở lại, nhà hàng bán đồ ăn uống tại chỗ, công sở làm việc bình thường... Các hoạt động này đã bị ngưng trệ từ hơn 3 tháng nay.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, việc mở cửa lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, và theo hướng dẫn phân loại cấp độ dịch của Bộ Y tế là hoàn toàn cần thiết.
Tuy nhiên, có những dịch vụ thực hiện trong không gian tương đối khép kín như nhà hàng, quán ăn, hội họp, biểu diễn nghệ thuật, thể thao... hoàn toàn có thể có nguy cơ lây nhiễm.
Theo quy định mới, những nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn. Về vấn đề này, theo bác sĩ Phúc sẽ khó khăn trong việc kiểm soát, khống chế lượng khách. Việc cần làm là quy định rõ khoảng cách giữa các bàn với nhau là bao nhiêu mét.
"Những người trong cùng một bàn thường là những người bạn, người một nhà, người trong cùng một cơ quan. Khái niệm đó gọi là "bong bóng COVID-19", tức là họ có những hoàn cảnh tương đương nhau, chung đặc điểm và tương đồng nguy cơ lây nhiễm. Chúng ta nên kiểm soát sự giãn cách giữa các bàn như vậy sẽ dễ hơn kiểm soát số lượng người" - bác sĩ Phúc phân tích.
Cũng theo bác sĩ Phúc, trong suốt những ngày vừa qua, trung bình 1 ngày Hà Nội có khoảng 4 ca nhiễm chủ yếu ở trong khu vực đã được cách ly. 100% người trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi vaccine COVID-19, trong đó phủ được 23% người trên 18 tuổi được 2 mũi.
"Tôi tin rằng, nếu ổ dịch xuất hiện thì đều đã nằm trong kịch bản và khả năng kiểm soát của chúng ta. Tình hình tiêm chủng như vậy là điều kiện cần để chúng ta yên tâm mở cửa. Không nên quá lo lắng khi ngày hôm nay số lượng người đến quán ăn đông vì đó cũng là điều dễ hiểu bởi sau khoảng thời gian dài không được ra ngoài ăn uống" - bác sĩ Phúc nhận định.
Cần có bộ quy tắc mới sau khi mở cửa
Cũng theo bác sĩ Phúc, một nguy cơ khác sau khi mở cửa đến từ việc di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng. Trên thực tế, việc tham gia hoạt động giao thông bằng phương tiện cá nhân vẫn là an toàn nhất. Tuy nhiên, việc lưu thông bằng mỗi phương tiện đều có cách thức kiểm soát khác nhau.
"Đối với xe liên tỉnh, tôi cho rằng, chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ hành khách đi trên xe, nắm được thông tin cá nhân và lịch trình. Những chủ nhà xe phải có xét nghiệm định kì bởi đây là đối tượng tiếp xúc với nhiều người.
Dù có trở về trạng thái bình thường mới thì việc quan trọng không bao giờ được dừng lại là truy vết. Chúng ta càng làm tốt truy vết bao nhiêu thì sẽ không hạn chế được dịch lây lan trong cộng đồng bấy nhiêu" - bác sĩ Phúc khuyến cáo.
Đưa ra những phương án thích ứng an toàn với dịch bệnh sau khi mở cửa, bác sĩ Phúc cho rằng, Chính phủ, Bộ Y tế cần có những quy tắc mới để người dân tuân theo, để tất cả được an toàn.
"Các quy tắc cần phân chia cụ thể về sinh hoạt hàng ngày, hội họp, tham gia giao thông, trong trường học, công sở, biểu diễn nghệ thuật...
Việc ban hành từng quy tắc cụ thể bao nhiêu sẽ giúp dịch được khống chế một cách thuận lợi bấy nhiêu.
Tôi đã tham khảo những bộ quy tắc của nước ngoài và thấy rằng, chính bộ quy tắc đó là một phần quan trọng trong chiến lược chống dịch của họ và họ triển khai ngay từ đầu dịch.
Mỗi công dân cần tuân thủ quy tắc đó và coi đó là "hành lang pháp lý" cần tuân theo" - bác sĩ Phúc nêu quan điểm.