Mới đây, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) vừa phẫu thuật thành công một bệnh nhân sinh năm 1993 gặp biến chứng do tiêm filler vùng mông.
Theo bệnh sử, nữ bệnh nhân đã mua filler tại Việt Nam sau đó mang sang Campuchia để tiêm. Sau 10 ngày, bệnh nhân luôn có cảm giác đau vùng mông, áp-xe hai bên dữ dội nên nhập bệnh viện cấp cứu.
Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương đã tiến hành Siêu âm cho thấy, lớp mô dưới da có cấu trúc echo hỗn hợp, giới hạn không rõ, lan rộng ra mặt trước đùi, có dấu hiệu tăng sinh mạch máu xung quanh.
Bác sĩ nhận định, cô gái bị nhiễm trùng hoại tử hết phần mô mỡ dưới da. Ê-kip phẫu thuật rạch và nặn ra 1 lít dịch lẫn mủ. Sau khi nạo hết phần nhiễm trùng, vòng 3 cũng biến dạng.
“Chúng tôi cảnh báo liên tục về việc tiêm chất làm đầy (filler) trôi nổi có thể gây biến chứng nhưng thực tế không cải thiện nhiều. Việc điều trị phức tạp và mất thời gian, không phải chỉ rạch mủ ra là xong, chưa kể ảnh hưởng nặng nề về thẩm mỹ”, một bác sĩ khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương nói.
Cũng theo các chuyên gia, trước nhu cầu làm đẹp filler của phái đẹp tăng cao, thị trường bán filler vô cùng nở rộ và không khó để người tiêu dùng mua những hợp chất này.
Chỉ cần lên mạng bấm từ khoá “mua filler” sẽ có hàng nghìn kết quả xuất hiện. Với nhiều nhãn hiệu và giá thành từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, người dân có nhu cầu có thể dễ dàng mua được. Tuy nhiên, chất lượng của những loại filler này vẫn là ẩn số với nhiều người.
TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú - Phó khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu (TPHCM) nhận định, trong số các loại chất làm đầy hiện có trên thị trường, sản phẩm chứa axit hyaluronic được sử dụng nhiều nhất. Sản phẩm này có tính tương hợp với da, khả năng tạo hình tốt, có thể tan theo thời gian nên không tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể.
“Axit hyaluronic là loại chất làm đầy duy nhất có “thuốc giải” hyaluronidase để sửa chữa những kết quả không mong muốn và biến chứng khi tiêm chất làm đầy”, BS Ánh Tú cho biết.