Chắc chắn không lấp hồ Thành Công
Chiều 25.2, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc cải tạo chung cư Thành Công có lấp hồ Thành Công không?, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho hay, hiện nay vấn đề cải tạo khu chung cư này mới chỉ dừng lại ở bước lập kế hoạch chi tiết 1/500, mới lên ý tưởng, chưa đến giai đoạn đầu tư xây dựng. Còn việc có lấp hồ Thành Công không, ông Chiến khẳng định “chắc chắn là không”.
“Việc lấp hồ để phục vụ mục đích lợi ích kinh tế, lợi ích nhóm là không thể được", ông Chiến cho hay.
Về tiến độ xử lý vi phạm liên quan đến mương thoát nước Phan Kế Bính, ông Chiến cho hay, đây là tổ hợp các công trình, trong đó có 4 công trình xây dựng không phép, 2 công trình xây dựng sai phép.
Theo thông báo kết luận sai phạm tại 2 dự án này, mương thoát nước là đất xây dựng công trình công cộng, thuộc trường hợp Nhà nước giao để quản lý, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc UBND Hà Nội cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (thời hạn 20 năm), mương thoát nước Nghĩa Đô (thời hạn 50 năm) cho doanh nghiệp với hình thức sử dụng riêng là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và quy hoạch.
UBND quận Ba Đình trong năm 2018 đã xử lý xong toàn bộ 4 công trình xây dựng không phép, hiện nay chỉ còn 2 công trình xây dựng sai phép.
"UBND thành phố đã phê duyệt dự án mở rộng đường Phan Kế Bính, theo dự án này cả 2 công trình xây dựng sai phép này đều thuộc diện giải phóng mặt bằng để mở rộng đường.
Do đó, UBND quận Ba Đình đã báo cáo UBND thành phố giải phóng mặt bằng toàn thể 2 công trình này khi lên phương án giải phóng mặt bằng. Chúng tôi đang làm việc với chủ đầu tư để lên phương án đền bù hỗ trợ tái định cư với 2 công trình này", ông Chiến nói.
283 người Hàn Quốc đang được theo dõi y tế
Tại cuộc họp, phóng viên Báo Lao Động đặt câu hỏi cho lãnh đạo quận Ba Đình về tình hình dịch bệnh COVID-19 khi Hàn Quốc ghi nhận gần 900 ca dương tính với virus này. UBND quận rà soát người nước ngoài sinh sống và làm việc trên địa bàn như thế nào, có phương án phòng, chống gì không?
Ông Chiến cho hay, kể từ khi có dịch trên thế giới, TP. Hà Nội đã lập Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19, chỉ đạo các quận huyện tích cực phòng chống dịch. Hiện nay, trên địa bàn quận có 1.089 người Hàn Quốc, có 283 người đang được theo dõi y tế - những người này nhập cảnh vào Việt Nam từ 14 ngày trở lại đây.
Bên cạnh đó hiện cũng có 54 người Trung Quốc, 741 người Nhật Bản đang sinh sống ở quận Ba Đình và được theo dõi y tế. “Chúng tôi đều rà soát và nắm vững lộ trình đi của họ để chủ động phòng dịch COVID-19”.