Doanh nghiệp bất động sản tăng chiết khấu để bán hàng
Theo khảo sát, trong tháng 8.2023, một số ngân hàng đã tung nhiều gói ưu đãi giảm lãi suất khoản vay mới để kích cầu tín dụng. Trong khi đó, các khoản vay cũ cũng được điều chỉnh nhưng giảm chậm hơn so với khoản vay mới. Khảo sát cũng cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng 2 mức lãi suất, đó là lãi suất vay ưu đãi trong một khoảng thời gian cố định và lãi suất sau thời gian ưu đãi. Biên độ điều chỉnh lãi suất cho vay giữa ưu đãi và sau ưu đãi ở các ngân hàng phổ biến từ 2-3,8%. Ở thời điểm hiện tại, lãi suất ưu đãi khi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng dao động từ 7,5-11,8%/năm, hết thời gian ưu đãi, lãi suất rơi vào khoảng 10,5-15,5%/năm.
Hàng tồn kho đang là một trong những áp lực lớn nhất đối với doanh nghiệp bất động sản. Đó là lý do, khi lãi suất vay mua nhà giảm mạnh, các doanh nghiệp bất động sản đang có một cuộc chạy đua thúc đẩy thanh khoản với các chính sách bán hàng để nhanh chóng giải quyết vấn đề thanh khoản.
Một chính sách ưu đãi đang được áp dụng đó là các chủ đầu tư đưa ra chính sách đẩy hàng thông qua chiết khấu, tăng thêm ưu đãi như kéo giãn thời gian thanh toán, miễn phí quản lý, ưu đãi lãi suất... Song, phần lớn các sản phẩm có chiết khấu khủng 40 - 50% thuộc phân khúc trung và cao cấp, với tầm giá 55 - 80 triệu đồng/m2, thì cơ hội cho người mua ở thực không nhiều. Thậm chí, có dự án phía Nam ưu đãi thanh toán và lãi suất lên tới 7 năm cho người mua - điều chưa từng diễn ra trên thị trường bất động sản từ trước tới nay.
Hay như tại Nam Long Group áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất ở mức cao cho người mua nhà tại Dự án căn hộ Akari City Bình Tân như đóng trước 30%, chia nhỏ thành 6 đợt thanh toán trong 16 tháng. Ngoài ra, chủ đầu tư còn hỗ trợ cho vay đến 65% giá trị căn hộ, ân hạn nợ gốc 2 năm, kết hợp với chính sách hỗ trợ lãi suất 8%/năm từ 18 đến 24 tháng… Chính nhờ đó mà sức cầu thị trường cải thiện đáng kể so với tháng trước, song phần lớn lượng tiêu thụ chỉ tập trung tại một dự án đại đô thị thuộc khu Đông TP Thủ Đức được mở bán trong tháng.
Cơ hội cơ cấu lại nguồn vốn
Những tháng còn lại của năm 2023, kỳ vọng thị trường phục hồi vẫn còn mong manh, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình bằng cách tái cấu trúc sản phẩm và tái cấu trúc tài chính. Trong đó, các chuyên gia tài chính đánh giá, khoảng thời gian ngưng hiệu lực thi hành các khoản 8, 9 và 10, Điều 8 - Thông tư 39 (đã được bổ sung theo Khoản 2, Điều 1 - Thông tư 06) từ ngày 1.9.2023 cho tới khi Thông tư 10 có hiệu lực sẽ giúp các doanh nghiệp địa ốc tận dụng tái cấu trúc, thoát khỏi khó khăn.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, Thông tư 10 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn có cơ hội cơ cấu lại nguồn vốn thông qua việc chuyển nhượng vốn tại các dự án cho các nhà đầu tư có năng lực vận hành tốt hơn, hoặc thông qua cơ chế hợp tác kinh doanh với các đối tác có tiềm lực tài chính, còn các ngân hàng có cơ sở pháp lý để cho vay đối với dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng có pháp lý đầy đủ. Ngoài ra, quy định mới cũng sẽ góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng vốn đang ở mức thấp thời gian gần đây.