Theo báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) về áp lực dòng tiền của doanh nghiệp và kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn tới, vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải hiện nay là doanh thu giảm, liên quan đến tổng cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Báo cáo nhận định dựa trên kết quả phân tích sơ bộ báo cáo tài chính của 1.579 doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn giao dịch chứng khoán ở Việt Nam (chia thành 10 ngành cụ thể) trong thời gian từ 2018 đến 6 tháng đầu năm 2023.
Ban IV đánh giá, doanh nghiệp Việt dù đã niêm yết nhưng vẫn có đặc trưng là vốn chủ sở hữu mỏng, các hoạt động dựa nhiều trên vốn vay. Do đó, khi huy động vốn gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ngay lập tức. Trong bối cảnh suy giảm đơn hàng, khó huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, dòng tiền trở thành vấn đề cấp thiết nhất của doanh nghiệp.
Theo đó, doanh thu của các ngành giảm từ giữa năm 2022 đến nay, nghiêm trọng nhất là hai ngành bất động sản và xây dựng.
Đáng lưu ý là đến hết quý II/2023, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của 8/10 ngành đều thấp hơn cùng kỳ năm 2022, chỉ có ngành công nghệ thông tin là tăng quy mô và ngành hàng và dịch vụ tiêu dùng giữ nguyên quy mô doanh thu so với cùng kỳ.
Ngành nào có tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu lớn thì càng gặp khó khăn như xây dựng: 1,14 lần; hàng và dịch vụ tiêu dùng: 0,78 lần; bất động sản: 0,62 lần và vật liệu xây dựng: 0,62 lần.
Khi so sánh chi phí lãi vay so với lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp thì thấy tỉ lệ rất đáng kể. Năm 2022, ngành xây dựng có tỉ lệ chi phí lãi vay so với lợi nhuận cao nhất, lên đến 375%, tiếp đó là hàng và dịch vụ tiêu dùng 44,8% và bất động sản 40,2%.
Ban IV nhận định: “Điều này hàm ý, khi kinh doanh, doanh nghiệp chịu rủi ro chính nhưng thành quả được hưởng không nhiều, bị xói mòn do chi phí tài chính nên không có tích lũy để tái đầu tư”.
Đặc biệt, doanh nghiệp xây dựng và bất động sản gặp vấn đề lớn nhất về dòng tiền khi số ngày phải thu (là thời gian bình quân để thu hồi công nợ sau khi doanh nghiệp bán hàng) và số ngày tồn kho tăng lên nhiều lần.
Số ngày phải thu trung bình của doanh nghiệp xây dựng quý I/2022 là 463 ngày thì sang quý I/2023 lên đến 1.165 ngày. Dù hết quý II/2023 giảm xuống còn 598 ngày nhưng cũng cho thấy áp lực dòng tiền của doanh nghiệp xây dựng. Số ngày tồn kho trung bình quý I/2023 lên đến 4.527 ngày, so với 661 ngày của quý I/2022.
Bên cạnh đó, số ngày tồn kho trung bình của doanh nghiệp bất động sản quý I/2023 cũng lên đến 5.662 ngày, cá biệt là doanh nghiệp có số ngày tồn kho lên đến 54.334 ngày, hay với tình hình bán hàng như hiện tại, doanh nghiệp phải mất 149 năm mới bán hết giỏ hàng.
Liên quan đến chi phí thuế, Ban IV cho biết, 1/4 nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhất 3 sàn có áp lực lớn nhất. Năm 2020, tỉ lệ chi phí thuế/lợi nhuận sau thuế lên đến 51,5%. Năm 2022, đa số doanh nghiệp nhóm này đều lỗ.