Trao đổi với PV Báo Lao Động, Luật sư Nguyễn Phó Dũng - Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội tư vấn:
Căn cứ tại Điều 188, Luật đất đai năm 2013, quy định về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đáp ứng đủ một trong số những điều kiện sau:
- Phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Đất không có tranh chấp.
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, nếu muốn bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bắt buộc bạn phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay còn gọi là sổ đỏ hoặc sổ hồng. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý cao nhất chứng minh quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân.
Không có giấy tờ này, mọi giao dịch mua bán đều không hợp pháp, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua. Hậu quả pháp lý của giao dịch này là rủi ro pháp lý cao và sau này khó tránh khỏi xảy ra tranh chấp giữa hai bên.
Ngoài ra, ngoài các điều kiện ở trên khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn phải thỏa mãn các điều kiện từ Điều 191 đến Điều 194, Luật đất đai năm 2013 cho từng trường hợp cụ thể. Nếu là đất trồng lúa thì ngoài các điều kiện ở trên còn phải đáp ứng điều kiện tại Điều 191 gồm có:
+ Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
+ Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
+ Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Bên cạnh đó, hình thức chuyển nhượng đất phải được lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực điều này được quy định tại Điều 167, Luật đất đai 2013 và được hướng dẫn tại Điều 64, Luật đất đai 2013.
Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
- Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này.
- Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.
- Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.