Vào cuối tháng 5 vừa qua, dư luận xôn xao về hình ảnh hàng nghìn người dân tại Hà Nội phải xếp hàng dưới thời tiết nóng nực, oi bức để bốc thăm suất mua nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Điều này cho thấy nhu cầu nhà ở vừa túi tiền của người lao động tại các thành phố lớn hiện nay rất lớn.
Thế nhưng, trái ngược với dự án dù có giá bán đắt nhưng người dân tranh nhau mua, phải xếp hàng bốc thăm thì cũng có những dự án nhà ở xã hội với giá rẻ hơn nhưng mở bán vài chục lần vẫn "ế".
Đơn cử, tại dự án Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư mở bán đến lần thứ 26 nhưng vẫn chưa hết.
Được biết, dự án có tổng số 1.496 căn hộ, trong đó có 264 căn bán thương mại; 911 căn hộ nhà ở xã hội để bán và 321 căn hộ nhà ở xã hội để cho thuê.
Tại lần mở bán và ký hợp đồng lần thứ 26, trong tháng 4 vừa qua, còn 42 căn hộ chưa bán được và 86 căn chưa có người thuê. Như vậy, từ lần mở bán đầu tiên vào năm 2015 đến nay, dự án mới bán được 869 căn nhà xã hội và 235 căn nhà cho thuê.
Hay dự án khu nhà ở xã hội Bamboo Garden tại huyện Quốc Oai của Công ty cổ phần tập đoàn CEO cũng phải mở bán đến 23 lần mới hết. Theo đó, dự án có tổng số 432 căn (346 căn để bán và 86 căn cho thuê). Giá bán căn hộ tại dự án này chỉ gần 10 triệu đồng/m2, cho thuê là 48.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm VAT).
Điều đáng nói không chỉ riêng những dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội mà một số địa phương khác, có không ít dự án nhà ở xã hội dù giá bán thấp hơn mặt bằng chung cũng khó tìm đủ khách mua.
Có lẽ, khi so sánh những dự án nhà ở xã hội nói trên người ta thường nhìn vào vị trí, hạ tầng chứ chưa hề quan tâm là chất lượng xây dựng.
Chia sẻ với Lao Động, ông Trần Xuân Lượng - TS chuyên ngành bất động sản (Đại học Kinh tế Quốc dân) - cho biết, chính sách phát triển nhà ở xã hội cần được nghiên cứu phù hợp với từng nơi, từng khu vực, trước khi một dự án được xây dựng lên.
“Vị trí địa lý cũng là yếu tố cơ bản để quyết định cho việc dự án nhà ở đó có bán được hay không. Ngoài ra, vấn đề pháp lý, hạ tầng kỹ thuật cũng là yếu tố quan trọng.
Dù nhu cầu về nhà ở rất lớn nhưng đừng đẩy các dự án nhà ở xã hội ra quá xa. Nếu bố trí dự án ra xa nội thành thì cũng cần phải xây dựng hạ tầng đồng bộ, thậm chí đo đếm được lượng người có nhu cầu để tránh lãng phí”, ông Lượng chia sẻ.
Theo ý kiến một số chuyên gia, để tránh tình trạng nơi có nhu cầu nhà ở lớn lại thiếu, dẫn tới cảnh chen lấn xếp hàng, nhưng cũng có dự án chủ đầu tư phải mòn mỏi đi tìm khách mua thì cần phải có giải pháp định hướng ngay từ đầu. Việc này nhằm mục đích đưa chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội hiệu quả, đến đúng người, đúng việc.