Thời gian qua, thông tin rao bán bất động sản cắt lỗ, giảm giá tràn ngập thị trường bất động sản, người bán vẫn rất khó tìm khách mua dù rao bán suốt một thời gian dài.
Những cụm từ như gồng lãi, cắt lỗ, bán nhanh thu dòng tiền… đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Điều này cũng cho thấy, thị trường đang thực sự gặp khó về giao dịch sau khoảng thời gian vừa qua.
Thực tế cho thấy, hiện nay người muốn bán nhanh khó, người cố gồng để chờ thị trường cũng không đoán định được tương lai nên khá sốt ruột. Trong khi, bao trùm thị trường bất động sản hiện nay là tâm lý bị dao động bởi khó tiếp cận nguồn vốn để mua hay đầu tư.
Ghi nhận của Lao Động cho thấy, khoảng đầu năm 2023 đến nay, tại Hà Nội và một số khu vực vệ tinh đã xuất hiện tình trạng chào bán bất động sản thấp hơn khoảng 10-20% giá thị trường để thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng.
Chia sẻ với Lao Động, anh Nguyễn Văn Tuấn (ở Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, thời điểm cuối năm 2021, anh xuống tiền mua một lô đất tại thôn Mộc Hoàn (huyện Hoài Đức) có diện tích 45m2 với mức giá gần 1,2 tỉ đồng, tương đương gần 26 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, thị trường rơi vào trầm lắng, đến tháng 3.2023, anh Tuấn chấp nhận cắt lỗ 10% so với thời điểm mua vào để tìm khách mua.
Tuy nhiên, suốt nhiều tháng, mảnh đất của anh Tuấn không tìm được chủ mới. Theo anh Tuấn, đa phần những người đến xem đều ép giá xuống mức giá chỉ còn 1 tỉ đồng, giảm tới 200 triệu đồng so với lúc mua.
Một số chuyên gia trong ngành nhận định, từ nay đến cuối năm 2023, thị trường thứ cấp sẽ có rất nhiều nhà đầu tư xả hàng do "ngộp" tài chính hoặc muốn phân bổ lại dòng vốn. Vì vậy, họ buộc phải giảm 10 - 20%, thậm chí hơn.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNMTV Phương Đông (chuyên đầu tư xây dựng dự án bất động sản) đưa ra lời khuyên với bối cảnh thị trường hiện nay, nhà đầu tư nên “liệu cơm gắp mắm”.
Thực tế lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, tỉ lệ tăng giá của bất động sản so với lãi suất ngân hàng là không nhiều, chắc chắn thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Theo đó, các nhà đầu tư nên tự liệu sức mình, nếu chịu đựng được thì có thể theo, còn nếu không chịu được áp lực, nên xác định thoát hàng càng sớm càng tốt.
Ngược lại, không ít nhà đầu tư vẫn cầm cự chờ thị trường hồi phục. Thế nhưng, theo các chuyên gia, diễn biến của thị trường là điều không thể đoán trước. Trong khi, ám ảnh nhất của những nhà đầu tư hiện tại chính là khoản nợ ngân hàng.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế từng cho rằng, nhà đầu tư và giới đầu cơ đều không muốn lỗ, nên đa số hiện nay đều nằm chờ. Thế nhưng, chi phí bỏ ra để đầu tư không hề nhỏ, nếu như bây giờ cắt lỗ thì sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, vị này nói có những lúc chúng ta cũng phải "chấp nhận cắt lỗ còn hơn là mất hết”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn nói thêm: “Quyết định cầm cự hay cắt lỗ phụ thuộc vào năng lực trả lãi gốc của mỗi nhà đầu tư. Bởi thực tế, không ai có thể đoán chính xác diễn biến của thị trường trong tương lai. Có thể nhà đầu tư cắt lỗ hôm nay, một tháng sau, giá tăng, người bán tiếc nuối. Hay ngược lại, vì chờ đợi thị trường sôi động, nhà đầu tư phải trả gốc lãi liên tục”.