Ngày 2.3, Bộ Xây dựng có phát đi thông tin về đề xuất gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà ở xã hội.
Theo thông tin của Bộ Xây dựng, sau khi có quyết nghị của Chính phủ, Bộ này sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng của Ngân hàng Nhà nước.
Vừa qua, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", Bộ Xây dựng đã có đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.
Cùng đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã họp với 4 ngân hàng thương mại và thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Hai gói tín dụng này mang đến kỳ vọng rất nhiều về nguồn cung về nhà ở xã hội, tạo thuận lợi cho thị trường bất động sản thời điểm này.
Tuy nhiên, đã có những thông tin về việc Bộ Xây dựng xin tạm dừng đề xuất gói 110.000 tỉ đồng.
Cụ thể, trả lời báo chí, ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết, đơn vị này dự kiến tạm ngừng đề xuất gói 110.000 tỉ đồng để thực hiện gói 120.000 tỉ đồng của Ngân hàng Nhà nước.
Trước những thông tin trên, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết, chưa có việc Bộ Xây dựng đề xuất dừng gói tín dụng này.
Theo ông Sinh, việc tạm dừng đề xuất này hay không phía Bộ đang xin ý kiến của Chính phủ để quyết định.
Đánh giá của nhiều chuyên gia cho rằng, gói tín dụng 110.000 tỉ đồng và 120.000 tỉ đồng của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước trong thời điểm này là giải pháp có thể làm được. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần đảm bảo dòng tiền để vận hành.
Bên cạnh đó, các yêu cầu về điều kiện cho vay, hệ số rủi ro, chuyển nhóm nợ..., đều phải được thực hiện chuẩn chỉ nhưng không quá khắt khe và gây khó cho người dân, doanh nghiệp.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, các gói hỗ trợ thực thi được hay không quan trọng là do điều kiện đưa ra. “Làm sao để vừa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, vừa đáp ứng được yếu tố đảm bảo an toàn cho phía ngân hàng, theo hướng doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả thì tránh được rủi ro nợ xấu cho ngân hàng. Còn doanh nghiệp thì cần đáp ứng những điều kiện được đánh giá là có tính khả thi, như hoạt động có hiệu quả, có khả năng trả nợ…”, ông Long nói.
Theo ông Long, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, thứ nhất là cần phải triển khai vào đúng đối tượng, lựa chọn đối tượng hợp lý; thứ hai là triển khai một cách kịp thời, sớm; và thứ ba là thiết kế chính sách để triển khai với tính khả thi cao.