Theo bác sĩ Lê Thân, Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam, ngày nay, bệnh đái tháo đường (còn gọi đái đường, tiểu đường) đang phát triển trên quy mô toàn thế giới, không chỉ ở các nước phát triển mà ở cả các nước đang phát triển trong đó có nước ta.
Bệnh không được kiểm soát có thể gây biến chứng tim mạch, suy thận, mù loà, tắc mạch phải cắt cụt chi, nhiễm trùng, tàn tật... thậm chí gây tử vong nếu điều trị không tốt.
Đông y không có bệnh danh đái tháo đường, nhưng đối chiếu với các chứng trạng lâm sàng, căn bệnh này được quy vào phạm vi chứng tiêu khát của Đông y.
Bệnh phát sinh chủ yếu do các nguyên nhân như: ăn uống bất hợp lý, tình chí bị rối loạn, dùng thuốc không đúng, tửu sắc hoặc lao lực quá độ… Các nguyên nhân này làm rối loạn công năng các tạng phủ, đặc biệt là ba tạng tỳ, phế, thận, từ đó phát sinh chứng tiêu khát.
Dưới đây là một số bài thuốc Nam chữa bệnh đái tháo đường của Đông y:
- Tụy heo 1 cái, bột củ sắn dây 100g; nấu nước tụy heo để nấu bột sắn dây; chia 2 lần ăn trong ngày, ăn hàng ngày.
- Tụy heo 1 cái, nấu với 50g râu bắp; nấu xong bỏ râu bắp, ăn tụy heo, uống nước trong 1 ngày.
- Tụy heo 1 cái xắt nhỏ xào tái trước, củ cải tươi 250g, gạo 100g; nấu cháo củ cải nhừ, rồi cho tụy heo vào, nấu sôi lại để ăn.
Ngoài ra, có thể xào tụy heo với một hoặc vài thứ như: hẹ, rau lang, rau cần, trái mướp đắng, hành tây, nấm hương, mộc nhĩ, cà rốt, cà chua, bí rợ, bí đao, măng tươi đã luộc kỹ để ăn.
- Đào lấy củ cây chuối chát (chuối hột), rửa sạch, giã nát ép lấy nước uống. Vì củ chuối chát không nhiều và đào củ phức tạp, các thầy thuốc đã cải tiến bằng cách cắt ngang (cách mặt đất 20 - 25cm) cây chuối (loại có bắp đang nhú càng tốt), phần dính với mặt đất khoét một lỗ rỗng to ở giữa thân chuối. Sau khi cắt ngang cây chuối, dựng cây chuối lên buộc nẹp lại nếu cắt đứt thì cần bảo vệ nơi cắt, tránh bụi bặm, côn trùng… rơi vào lỗ khoét.
Để một đêm, sáng hôm sau múc nước từ chỗ khoét do gốc thân cây chuối tiết ra mà uống; dùng thường xuyên và lâu dài sẽ ổn định lượng đường trong máu.
- Củ cải củ 200g, gạo tẻ 50g, gạo nếp 50g; nấu thành cháo, ăn nóng ngày 2 lần, ăn liền nhiều ngày.
- Bột củ sắn dây 30g, gạo tẻ 60g nấu cháo, ăn ngày 2 lần sáng, tối.
Nấu canh trái mướp đắng (khổ qua) ăn.
- Dùng nước ép, nước sắc trái mướp đắng tươi uống.
- Trái mướp đắng đã phát triển to nhưng còn xanh, xắt mỏng, phơi nắng cho khô, khi dùng tán thành bột, mỗi ngày uống 12 - 20g chia 2 - 3 lần sau bữa ăn.
- Hạt tía tô và hạt cải củ lượng bằng nhau; sao thơm tán bột, mỗi ngày uống 10g với nước sắc vỏ trắng rễ cây dâu.
- Tang bạch bì, gạo nếp rang phồng, mỗi thứ 50g, sắc uống.
- Củ mài 50-100g, nấu cháo ăn hằng ngày.
- Bột củ mài, bột ý dĩ tỷ lệ 2:1 trộn đều, mỗi ngày dùng 90g hoà với nước sôi ăn.
- Củ mài 40g, bí rợ 120g, lá sen 50g, lấy lá sen sắc lấy nước nấu với 2 loại kia thành cháo, ăn ngày 1 lần.
- Hạt dưa hấu đỏ 50g giã nát cho nước khuấy đều, bỏ xác, lấy nước cho gạo tẻ 100g vào nấu ăn.
- Hoa đậu ván trắng, mộc nhĩ đen đều 30g, tán bột trộn đều, uống 3 - 5g/lần, 2 - 3 lần/ngày.
- Nhuộng tằm 20 con rửa sạch, xào với dầu thực vật rồi ăn.
- Lá thị, đậu xanh mỗi thứ 30g; nấu chín ăn, ngày 2 - 3 lần.
- Rễ cỏ tranh 50g, rửa sạch sắc uống.
- Cá diếc 500g, trà xanh 10g; cá làm sạch bỏ ruột, rồi nhồi trà xanh vào trong bụng, hấp cách thuỷ, chia ăn vài lần trong ngày.
- Đậu rựa 800g, cải bẹ 50g, xào với một ít gừng tươi, dầu mè, dầu phộng và gia vị vừa đủ, ăn hàng ngày.
- Đậu đỏ để cả vỏ sấy khô, mỗi ngày dùng 50g nấu nước uống.
- Rau cần tây 100g, nấu sôi giã vắt lấy nước uống ngày 2 lần.
- Mè đen 100g sắc uống hằng ngày.
Rễ hoặc lá cây ngưu bàng sắc uống thay trà.
- Cà rốt tươi lượng vừa đủ, rửa sạch, ép lấy nước cốt uống hằng ngày.
- Nước ép hành tây, mỗi buổi sáng một muỗng canh.
- Uống nước ép vòi hoặc măng tre tươi hằng ngày.