Tôi đã được đào tạo như một chú "gà chọi" đúng nghĩa

Vĩnh Khang |

Tôi tự nhận mình là kẻ may mắn trong thi cử khi "giật giải" hầu hết mọi kỳ thi học sinh giỏi mình được đào tạo tham gia. Tuy nhiên, sau này, tôi thường tránh nhắc tới những thành tích “vẻ vang” trong quá khứ với bạn bè, người quen mới. Có lẽ để tránh biến mình thành kẻ khoe khoang, ngủ quên trên hư vinh chiến thắng. Cũng có thể để những tấm huy chương không còn là gánh nặng, đeo bám bước đường hiện tại.

“Không học giỏi bằng bạn nên mới phải mời nó ăn kẹo phải không?” - bố nói với tôi như vậy năm tôi 9 tuổi, nghỉ hè lớp 4 lên lớp 5. Lời ấy thốt ra vô tình, nhưng phần nào giễu cợt. Ngày ấy, học lực tôi bình thường, nhát gan. Cô bạn kia hiếu động, hay cười và vừa đạt giải trong một cuộc thi Tiếng anh cho học sinh tiểu học.

Thời gian quá xa, tôi không nhớ rõ câu nói đó đã gây tổn thương cho một đứa trẻ đến mức nào, nhưng hơn 10 năm sau, không gian, bối cảnh và từng lời bố nói vẫn hiện hữu trong trí nhớ. Tôi đã nếm vị nỗi buồn và thất vọng của một đứa trẻ thiếu tài giỏi.

Những kỳ thi học sinh giỏi đầu tiên dường như mang lại cho tôi nhiều thứ. Lần đầu tiên đạt giải học sinh giỏi cấp trường, bố mẹ vỡ òa trong hân hoan. “Kỳ tích” này được kể đi kể lại một thời gian dài trong những bữa cơm nhà, trên bàn tiệc của bố với khách hay trong những câu chuyện phiếm với đồng nghiệp của mẹ. Rồi lần đầu tiên tôi đạt học sinh giỏi cấp thành phố, bố mẹ vui mừng, nở mày nở mặt. Và lần đầu tiên đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cả gia đình tự hào và hãnh diện về tôi.

Ngày bé, tôi nhút nhát, thiếu tự tin dù lòng tự trọng lớn. Nhưng khi cầm món tiền thưởng vài trăm nghìn cùng chiếc bằng khen trên tay, cảm giác hãnh diện, tự tin đã tràn ngập. Dần dần, tôi dám khẳng định cá tính, dám nói chuyện trước đám đông, dám phản kháng những kẻ bắt nạt và dám tin rằng mình đặc biệt.

Tôi luôn tin mục đích ban đầu của kỳ thi học sinh giỏi là phát hiện, khai phá và công nhận những tài năng mới. Ngày hè lớp 7, trong một buổi học thêm Văn, cô giáo nói với tôi em có tài đấy, hãy cố phát triển và theo đuổi môn này nhé. Tôi vui mừng kể, bố mẹ trìu mến chúc mừng. Mãi sau này tôi mới biết, ban đầu mẹ không tin lời cô. Mẹ coi đó là lời một người dạy thêm động viên và níu chân từng “khách hàng” của mình. Mẹ chỉ tin khi tôi cầm về từng giải thưởng trong năm lớp 8, lớp 9 và sau đó nữa. Tôi hiểu, với mẹ và nhiều người, thành tích kỳ thi học sinh giỏi như một sự công nhận và khẳng định.

Lên cấp 3, tôi được đào tạo như một chú "gà chọi" đúng nghĩa. Học trường chuyên lớp chọn, được giảm tải một số môn để tập trung cho môn khác, tham gia kỳ thi học sinh giỏi các cấp như một lẽ dĩ nhiên. Việc đạt giải bây giờ không còn là “kỳ tích” trời cho nữa mà trở thành một trách nhiệm.

Ngày trước, dư vị sau mỗi lần đoạt giải ngọt ngào, tôi có thể hân hoan và mất ngủ mấy ngày. Nhưng dần dần, hậu vị của chiến thắng là nỗi lo âu, sự căng thẳng, áp lực ở những kỳ thi sau. Sẽ ra sao nếu mình thất bại? Tôi sợ sự thất bại như đứa trẻ con sợ đánh mất viên kẹo ngọt ngào trong miệng, như kẻ lang thang trên sa mạc sợ sa rời ốc đảo trù phú. Cảm giác hãnh diện, được công nhận là một cái đệm ngọt ngào.

Giờ nghĩ lại, phần nhiều ấn tượng xấu của tôi ở những kỳ thi học sinh giỏi là sự kỳ vọng quá mức của bố mẹ. Sự kỳ vọng ấy nghiến chặt tôi vào cái danh xưng con ngoan trò giỏi để bố mẹ tự hào, hãnh diện với người thân, bạn bè. Đôi lúc, tôi thấy mình như tấm huy chương để bố đeo trước ngực, đem ra khoe khi ở cơ quan, khi bạn bè đến nhà, thậm chí cả trên mạng xã hội. Sau này, thỉnh thoảng tôi nổi loạn, quậy phá để thoát khỏi cái bóng ngoan, giỏi trong quá khứ.

Nhưng có lẽ sâu xa hơn của áp lực học sinh giỏi là nỗi sợ mình không thể quay đầu, không cách nào chọn lại. Khi theo đuổi một con đường quá lâu, thì con đường đó gần như là cách cửa vững chắc và an toàn nhất cho mọi định hướng tương lai của mình.

Tôi xem nhẹ một vài môn học, từ bỏ một vài sở thích để tập trung cho con đường duy nhất này. Tôi sợ cảm giác thất bại như sợ cảm giác chông chênh vào tương lai vô định, sợ cảm giác bắt đầu lại từ đầu và sợ cảm giác mình lại không là gì như ngày thơ bé.

Sau tất cả, khi đã cầm huy chương, ai cũng muốn giữ nó mãi. Nhưng gánh trên vai huy chương không dễ dàng, và không phải lúc nào cũng hạnh phúc.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của một học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ Văn - cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long sau khi đọc loạt bài "Mệt mỏi như thi học sinh giỏi" đăng tải trên Lao Động.

Vĩnh Khang
TIN LIÊN QUAN

Nên bỏ ngay kỳ thi học sinh giỏi

Thiều Trang - Tường Vân |

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều nơi chạy theo thành tích trong thi cử, trong đó chạy đua theo kỳ thi học sinh giỏi là minh chứng điển hình. Vì vậy, nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi các cấp để tránh “di căn” sang chương trình giáo dục mới đang triển khai hiện nay.

Nặng gánh "khoán" chỉ tiêu, giáo viên mệt mỏi vì luyện thi học sinh giỏi

Thiều Trang - Tường Vân |

Hiện nay, nhiều giáo viên không còn mặn mà với việc luyện thi học sinh giỏi, thậm chí công việc này trở thành áp lực và gánh nặng dai dẳng.

"Trường chuyên không phải đào tạo gà nòi mà phải đào tạo nhân tài"

Đặng Chung |

Theo các chuyên gia, hiện nay cần đổi lại triết lý đào tạo đối với trường chuyên. Theo đó, trường chuyên không phải đào tạo "gà nòi" mà phải đào tạo những nhân tài có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, hoài bão để phụng sự đất nước.

PGS Đặng Bích Hà an nghỉ bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Sáng 29.9, lễ an táng PGS Đặng Bích Hà - Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Vũng Chùa - Đảo Yến.

Sạt lở 300m trên QL2, vùi lấp người và nhiều phương tiện

Nguyễn Hoàn |

Hà Giang - Vụ sạt lở đất nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 2 đoạn qua huyện Bắc Quang khiến 11 người bị thương và mất tích, nhiều phương tiện bị cuốn trôi.

Cầu thủ Việt là nạn nhân của trò đùa trên mạng xã hội

MINH PHONG |

Trước Công Phượng, nhiều cầu thủ như Quang Hải, Văn Hậu hay Văn Toàn từng là nạn nhân của các trò đùa trên mạng xã hội sau khi xuất ngoại thất bại.

Cây mai cổ xù kỳ mỹ ở Kiên Giang xác lập kỷ lục Việt Nam

NGUYÊN ANH |

Kiên Giang - Cổ xù kỳ mỹ là cây mai vàng kiểng cổ, xù chảy toàn thân, dáng trực một cốt đạt giá trị độc bản tại Việt Nam.

Điều chuyển 2 sư đoàn bộ binh của Quân đoàn 4

Lam Duy |

Sư đoàn bộ binh 7 và Sư đoàn bộ binh 309 sẽ được điều chuyển từ Quân đoàn 4 về Quân khu 7.

Nên bỏ ngay kỳ thi học sinh giỏi

Thiều Trang - Tường Vân |

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều nơi chạy theo thành tích trong thi cử, trong đó chạy đua theo kỳ thi học sinh giỏi là minh chứng điển hình. Vì vậy, nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi các cấp để tránh “di căn” sang chương trình giáo dục mới đang triển khai hiện nay.

Nặng gánh "khoán" chỉ tiêu, giáo viên mệt mỏi vì luyện thi học sinh giỏi

Thiều Trang - Tường Vân |

Hiện nay, nhiều giáo viên không còn mặn mà với việc luyện thi học sinh giỏi, thậm chí công việc này trở thành áp lực và gánh nặng dai dẳng.

"Trường chuyên không phải đào tạo gà nòi mà phải đào tạo nhân tài"

Đặng Chung |

Theo các chuyên gia, hiện nay cần đổi lại triết lý đào tạo đối với trường chuyên. Theo đó, trường chuyên không phải đào tạo "gà nòi" mà phải đào tạo những nhân tài có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, hoài bão để phụng sự đất nước.