Mới đây, sự việc nữ sinh tên N.T.Y.N học sinh Lớp 10A15, Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự vẫn tại nhà riêng khiến nhiều người đau xót, bàng hoàng.
Được biết, nữ sinh N.T.Y.N. có học lực giỏi, nhưng bỗng dưng bỏ học, nói với mẹ "con sợ đi học, sợ đến trường". Khi mẹ tìm hiểu thì biết con bị bạo lực học đường.
Người mẹ sau đó đã nhiều lần phản ánh với giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường về vấn đề của con nhưng không được giải quyết.
Qua sự việc này, nhiều phụ huynh là độc giả của báo Lao Động đã có những chia sẻ cũng như góc nhìn của bản thân về nạn bạo lực học đường.
Chị Vũ Thị Ngọc Lan (43 tuổi, Quảng Ninh): Cha mẹ cần quan tâm con cái mình nhiều hơn
Trước hết, tôi xin được chia buồn với gia đình nạn nhân trong vụ việc nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An tự tử, thật sự quá đau lòng.
Thế mới thấy rằng bạo lực học đường rất đáng sợ, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới thể chất mà còn dễ dàng gây ám ảnh tâm lí, thậm chí tổn thương tâm lí trẻ.
Tôi thường xuyên theo dõi mạng xã hội, tôi thấy sau rất nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra, dường như nhiều người vẫn còn coi thường vấn nạn này.
Ở phía gia đình, cha mẹ ngày càng có xu hướng bận rộn, vì vậy mà luôn giữ quan điểm “Trăm sự nhờ thầy cô”, chỉ cần đưa con tới trường là xong mà không chú ý tới tâm lí của con với bạn bè hay những câu chuyện xung quanh con ở trường.
Tất nhiên, nhà trường, thầy cô cũng phải chịu trách nhiệm lớn, vì thời gian trẻ ở trường hiện còn nhiều hơn ở nhà. Trẻ sống với thầy cô bạn bè với quỹ thời gian còn nhiều hơn bên cạnh người thân.
Tôi mong nhà trường và phụ huynh hãy cùng nhau chung tay để bảo vệ con em mình.
Chị Nguyễn Thị Huyền (47 tuổi, Thanh Hóa): Người giáo viên là then chốt giảm thiểu vấn đề bạo lực học đường
Cá nhân vừa là giáo viên vừa là phụ huynh, tôi hiểu rõ những vấn đề xung quanh bạo lực học đường. Tôi nghĩ rằng giáo viên chủ nhiệm chính là người giữ vị trí then chốt trong việc giảm thiểu bạo lực học đường.
Tôi nghĩ việc đầu tiên mà một người giáo viên chủ nhiệm nên làm đó là phải tìm hiểu kĩ học sinh để hiểu rõ về con người, tính cách các em. Tiếp theo đó là luôn phải cố gắng xây dựng môi trường lớp học văn minh, tập thể đoàn kết, yêu thương nhau.
Cuối cùng, giáo viên chủ nhiệm nên có những "camera" trong lớp như là lớp trưởng, lớp phó thường xuyên báo cáo tình hình lớp học, vì thầy cô không phải lúc nào cũng trong lớp học. Nhờ đó, thầy cô sẽ nắm bắt được hoạt động trong và ngoài lớp, giúp phát hiện mâu thuẫn của học sinh và kịp thời hóa giải mâu thuẫn nảy sinh.
Chị Lê Thị Doan (55 tuổi, Hà Nội): Nhà trường và phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhau
Tôi từng có con gái phải chịu cảnh bạo lực học đường. Cụ thể khi con học lớp 7, con thường xuyên bị một nhóm bạn nam lưu ban trêu chọc, đùa cợt.
Vào những ngày trời nắng, khi đi học, áo con đẫm mồ hôi, nhưng lại bị các bạn ấy đánh bốp bốp vào lưng tới nỗi tấy đỏ, con đã phản ánh với giáo viên chủ nhiệm nhưng cách thức xử lí của cô chỉ là hòa giải đơn giản, coi đó là chuyện nhỏ nên xóa bỏ thành không.
Con gái tôi từng sợ hãi mỗi khi đến lớp và luôn cố gắng đi học muộn để không phải gặp nhóm nam sinh ấy. Đỉnh điểm khi đã không thể chịu đựng được, con gái tôi khóc nức nở nói với tôi về vụ việc trên.
Cá nhân tôi lúc ấy như chết lặng, thương con nhiều, thì cũng thấy bực mình bản thân và nhà trường không kém.
Tôi cảm thấy nhiều trường học vẫn đang chú trọng vào giáo dục tri thức nhiều hơn là giáo dục đạo đức, kĩ năng sống. Hay chính cách thức tham gia vào giải quyết vấn đề của nhiều trường còn nhạt nhòa, các hình thức xử phạt, kỉ luật còn nhẹ, chưa có tính răn đe, chủ yếu là thương lượng hòa giải...
Cá nhân tôi cũng tự nhận thấy bản thân mình chưa dành nhiều thời gian cho con để nắm bắt những thay đổi, những suy nghĩ của con. Sau câu chuyện của chính mình, tôi đã dành nhiều thời gian bên con hơn, đặc biệt giáo dục con những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường.
Tôi dạy cháu không được im lặng, có gì hãy nói cho mẹ và cô giáo để mẹ và cô giáo có thể giúp con giải quyết những vấn đề đó.
Anh Lê Mạnh Sơn (36 tuổi, Vĩnh Phúc): Cần tạo cho con lá chắn phòng chống bạo lực học đường
Tôi có hai cậu con trai đều đang học trung học phổ thông. Ngay từ khi bước chân vào cổng trường mầm non, tôi đã trang bị cho các con cách nhận biết đúng - sai, tốt - xấu. Từ đó hình thành được thói quen từ nhỏ giúp giảm thiểu tối đa việc trẻ bị bạo lực hoặc cầm đầu nhóm bạo lực.
Ngoài việc học tập, tôi cũng dạy con cách kiềm chế cảm xúc tiêu cực. Đứng trước những sự việc tác động mạnh đến mình, các con phải viết kiểm soát cảm xúc bằng cách hít thở sâu, đếm từ 1-10 để bình tĩnh lại.
Mọi việc không giải quyết khi đáng nóng giận, phải đợi khi bình tĩnh, suy nghĩ kỹ, mới đưa ra phương án.