Chị Hoàng Thị Miện (Chợ Mới, Bắc Kạn) hiện làm trong một công ty chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp (KCN) Điềm Thuỵ (Thái Nguyên). “Trong KCN này cũng có nhiều nhà máy phải cho lao động nghỉ luôn phiên; bạn mình làm may - tuần chỉ làm mấy buổi, cũng vì thế thu nhập giảm đi thấy rõ. May bên công ty mình không phải nghỉ làm, việc không nhiều như trước, nhưng vẫn duy trì được, thế là mừng rồi” - chị Miện cho hay.
Công ty TNHH New One Vina được thành lập năm 2019, chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử cho Công ty TNHH Samsung Electronics Vietnam, với 100% vốn đầu tư nước ngoài, hiện có gần 1.800 đoàn viên, NLĐ. Các đơn hàng điện tử gần như giảm sút trên toàn cầu, để đảm bảo sản xuất khi kinh tế phục hồi, đơn vị này vẫn cố gắng giữ chân người lao động.
Ông Lee Bum Se - Giám đốc Sản xuất Công ty cho biết, ngoài tạo việc làm ổn định bằng cách chuyển đổi sản xuất hoặc gia công cho một số đơn vị khác để công nhân không phải nghỉ việc, công ty còn phối hợp với công đoàn cấp trên tổ chức được nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, để đoàn viên, NLĐ yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Công ty TNHH TNHH Rftech sản xuất sạc pin và dây cáp điện thoại với 2 nhà máy cùng gần 2.500 lao động, thu nhập hiện tại của NLĐ đạt trung bình từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Đến nay toàn bộ số lao động vẫn có việc làm.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH TNHH Rftech, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn chung, nhưng bằng mọi cách phải duy trì việc làm cho NLĐ, phối hợp với khách hàng để sản xuất các model mới. Những lúc khó khăn này, công đoàn càng phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, đặc biệt là đối với NLĐ có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện nay, Công đoàn Các KCN tỉnh Thái Nguyên quản lý trực tiếp 81 công đoàn cơ sở với 23.225 đoàn viên.
Ông Dương Văn Thái - Chủ tịch Công đoàn Các KCN tỉnh Thái Nguyên cho biết, các công đoàn cơ sở phối hợp với chủ doanh nghiệp xây dựng quy chế dân chủ theo quy định pháp luật. Đến nay, đã có 92% công đoàn cơ sở doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể, quan tâm các điều khoản có lợi cho NLĐ.
Trong đó đặc biệt chú trọng tới các vấn đề sát sườn, quyền lợi của người lao động như lương tối thiểu, nâng lương, phụ cấp lương, thưởng Tết, ăn ca, đi lại, chuyên cần, tiền hỗ trợ gửi trẻ. Ngoài ra công đoàn cũng phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra các nội dung về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Những hoạt động hướng về NLĐ từ doanh nghiệp và các cấp công đoàn đã góp phần giúp NLĐ có việc làm với thu nhập ổn định, không xảy ra tình trạng đình công, tranh chấp làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.