“Những thông tin thể hiện sự chăm lo thiết thực từ Chương trình Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ có ý nghĩa như chiếc phao” - chị Nguyễn Thị Kim Oanh, CNLĐ Cty TNHH Samho An Giang, chuyên may giày thể thao (Khu Công nghiệp (KCN) Bình Hòa, Châu Thành - An Giang) xúc động chia sẻ.
Theo chị Oanh, do giá nhiều mặt hàng thiết yếu đang tăng, trong khi các doanh nghiệp (DN) vừa trải qua thời gian dài tạm nghỉ do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên hỗ trợ chưa đủ bù đắp. Do vậy, đời sống của nhiều CNLĐ, nhất là trường hợp có con nhỏ, con đang tuổi đi học... gặp nhiều khó khăn. “Vì thế khi biết Chính phủ và các thành viên Chính phủ làm việc vào ngày nghỉ để ra được văn bản về việc áp dụng mức tăng lương tối thiểu vùng vào 1.7.2022, chúng tôi vui đến hai lần. Đó không chỉ là niềm vui vì quyết định của Chính phủ xuất hiện kịp thời mang lại sự hỗ trợ vật chất đúng lúc CNLĐ cần, mà còn là niềm vui tinh thần, vì thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đối với CNLĐ”, chị Oanh nói.
Nhiều CNLĐ còn tâm đắc với chỉ đạo của Thủ tướng về chương trình đảm bảo an ninh trật tự, cũng như nỗ lực dẹp nạn tín dụng đen tại các KCN. Anh Phan Hữu Huyền, CNLĐ Công ty CP Thủy sản Cadovimex II (KCN Sa Đéc, Đồng Tháp) cho biết, do tích lũy chưa cao nên nhiều CNLĐ dễ gặp khó khăn về tài chính khi xảy ra sự cố ốm đau, bệnh tật... Phần lớn các đối tượng này khó tiếp cận với các khoản vay từ các ngân hàng thương mại... nên buộc lòng tìm đến tín dụng đen. “Với lãi suất “cắt cổ”, những khoản vay này không chỉ “bào mòn” thu nhập hằng tháng mà còn đe dọa đến việc làm, sinh hoạt của CNLĐ... khi các đối tượng này thuê các “lực lượng xã hội” đòi nợ. Thậm chí chúng còn đe dọa cả cán bộ công đoàn nếu CNLĐ đóng lãi trễ...” - anh Huyền chia sẻ.
Nhiều CNLĐ trên quê hương Bác Tôn còn bày tỏ niềm hạnh phúc khi trong Chương trình được nghe Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành trung ương chủ động xây dựng các chính sách mang tính động viên, khích lệ rất thiết thực và sát với thực tế của CNLĐ, nhất là trong các ngành nghề đặc thù như may mặc, chế biến thủy sản...
Chị Trần Thị Kim Oanh, CNLĐ Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long (TP.Long Xuyên) bày tỏ: Tại Chương trình, khi nghe thông tin sẽ “rút ngắn” thời gian tham gia BHXH giảm còn 15 năm, tiến tới 10 năm là được hưởng lương hưu, chúng tôi cảm giác hạnh phúc “như sắp đuối mà vớ được chiếc phao”. Bởi nó không chỉ củng cố cho chúng tôi niềm tin không bị bỏ lại phía sau, mà còn tạo cho chúng tôi sự an tâm khi về già.
Đây được xem như sự giải tỏa áp lực về già cho tất cả CNLĐ trong nghề đặc thù. Bởi thực tế cho thấy, rất khó để CNLĐ trong các ngành này làm đến tuổi nghỉ hưu. Bởi bên cạnh bệnh nghề nghiệp, còn có lý do doanh nghiệp luôn tìm mọi cách để chấm dứt hợp đồng lao động khi các đối tượng này khi bước vào tuổi 40-50 - thời điểm mà các kỹ năng nhìn, nắm bắt đầu suy giảm... Hệ lụy là xảy ra tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. “Khi chính sách mới có hiệu lực, CNLĐ chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi có được số tiền hưu sau khi tuổi tác, sức khỏe không còn đáp ứng yêu cầu làm việc của doanh nghiệp.