10 năm làm công chức, tiền lương chỉ vừa đủ chi tiêu
Anh Phạm Văn Lực (quê Nghệ An) là công chức tại phường Linh Trung, TP.Thủ Đức. 15 năm trước anh Lực vào TPHCM học tập và làm việc. Đã 10 năm anh làm việc tại phường Linh Trung, nhưng lương của anh chỉ vỏn vẹn hơn 5 triệu đồng/tháng. Nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh sẽ được chi thu nhập tăng thêm, tổng khoảng 9 triệu đồng/tháng.
“Lương cơ bản của tôi 5,3 triệu đồng/tháng, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cộng thêm khoảng 4 triệu đồng. So thu nhập với chi tiêu ở thành phố hiện tại thì chưa đáp ứng được nhu cầu trang trải cuộc sống của mình” - anh Lực, bộc bạch. Nhiều năm qua, anh Lực phải gắn bó với căn phòng trọ, không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi chỉ gói gọn trong khoảng không gian rộng hơn 10m2.
Cùng cảnh ngộ với anh Lực, anh Huỳnh Xuân Trường, cán bộ không chuyên trách phường An Khánh, TP.Thủ Đức, cùng vợ và đứa con học lớp 2 phải lấy phòng trọ làm nhà. Anh Trường từ Bạc Liêu lên TPHCM, vợ chồng anh đều là cán bộ Nhà nước. Với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng, gia đình chỉ vừa đủ lo tiền nhà trọ và sinh hoạt phí.
Mong ước được an cư
May mắn hơn anh Lực và anh Trường, anh Ngô Thanh Tú, công chức phường An Khánh, không phải lo tiền thuê nhà vì sống cùng gia đình vợ ở quận 4, nhưng ngôi nhà 34m2 là nơi sinh sống của 6 thành viên trong gia đình anh. “Tôi hiện sống chung với gia đình vợ, gia đình 6 người cùng sống trong căn nhà 34m2, rất chật chội. Hai con tôi đã lớn cần không gian riêng nhưng phải ở chung, rất bất tiện. Mong muốn của tôi là được mua nhà ở xã hội, trả góp trong nhiều năm, vì mức lương công chức chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng” - anh Tú tâm sự.
Với những người ở trọ như anh Lực và anh Trường, việc mua nhà ở xã hội để an cư cũng là mong muốn rất lớn. “Mức lương hiện tại so với thị trường nhà đất hiện nay thì rất khó tiếp cận, chỉ có nhà ở xã hội là hy vọng duy nhất. Tôi mong có chính sách phù hợp để có thể mua được nhà với mức lương hiện nay” - anh Lực nói.
Không chỉ riêng cán bộ, công chức phường mong muốn được tiếp cận nhà ở xã hội, mà trong hội nghị tiếp xúc cử tri nữ của thành phố vừa qua, nhiều cán bộ, công chức, người lao động cũng nêu mong muốn về nhà ở xã hội.
Chị Phạm Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TPHCM, chia sẻ, nhu cầu nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người làm công hưởng lương... là rất lớn nhưng việc tiếp cận các thông tin liên quan đến nguồn cung nhà ở xã hội còn ít, thiếu kênh thông tin chính thống để tiếp cận.
Còn chị Đặng Thị Tuyết Nhung, cán bộ chuyên trách Hội Phụ nữ Công an Thành phố, cũng đề xuất, Thành phố nên có chỉ đạo rà soát, kiến nghị điều chỉnh những quy định cản trở sự phát triển nhà ở xã hội, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà cho thuê giá rẻ.
Cụ thể, giảm thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, cho vay ưu đãi thực hiện dự án nhà ở xã hội; cho phép doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án nhà trọ, phòng trọ cho thuê để nâng cao chất lượng, tiện ích, dịch vụ, an toàn, an ninh; Thực hiện nghiêm túc việc rà soát, bố trí quỹ đất 20% đất ở trong các dự án nhà ở thương mại trên 10ha, để thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội cho thành phố; Trong trường hợp chủ đầu tư không triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện theo tiến độ đã được phê duyệt, thực hiện thu hồi và giao quỹ phát triển nhà ở thành phố để triển khai đầu tư xây dựng, tránh lãng phí quỹ đất.
Sở Xây Dựng TPHCM vừa báo cáo Bộ Xây dựng về đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, sẽ dành 20 khu đất được quy hoạch với tổng diện tích hơn 38ha để thực hiện dự án 1,3 triệu căn hộ. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng kiến nghị Bộ Xây dựng đơn giản hóa các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để các dự án nhà ở xã hội sớm hoàn thành đáp ứng nhu cầu của người dân.